Ngọc Hoàng Thượng đế


Ông Trời” là để chỉ Ngọc Hoàng Thượng Đế , cũng tôn xưng bằng nhiều danh hiệu như:- “Ngọc Đế” , “Hạo Thiên Thượng Đế” , “Huyền Khung Cao Thượng Ngọc Hoàng Đại Thiên Đế”, “Hạo Thiên Kim Khuyết Vô Thượng Chí Tôn Tự Nhiên Diệu Hữu Di La Chí Chân NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ”. NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ là vị thần minh cao cấp của Đạo giáo, địa vị gần nhất dưới Tam Thanh Tôn Thần. Nhưng trong con mắt của người thế tục Trung Quốc , NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ là vị thần tối cao, là vua của các thần khác.

Theo truyền thuyết dân gian, NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ không chịu mệnh lệnh của vua khác, cai quản khắp nhân gian, thống trị hết thần tiên của ba giáo Nho, Đạo, Thích, điều động hết thiên thần, địa kỳ, nhân quỉ. Thiên thần là những vật tự nhiên được “thần hóa” như:- mặt trời, mặt trăng, sao, phong bá (thần gió), vũ sư (thần mưa), tư mệnh, Tam Quan đại đế, Ngũ Hiển đại đế v.v…đều dưới quyền của NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ . Địa kỳ (chi) cũng là những vật tự nhiên ở đất được thần hóa như:- thần Thổ Địa, thần Xã tắc, thần Núi non, thần Sông biển, thần Năm tháng, nói chung bao quát cả “bách thần”. Nhân quỉ là những nhân vật lịch sử sau khi chết được thần hóa, bao gồm : tổ tiên, những bậc công thần, những văn nhân v.v…
NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ thống lãnh trời, đất, người, thần linh ba cõi, cùng quản lý mọi sự thịnh suy tốt xấu của vũ trụ vạn vật . Về lãnh vực nầy, Ngài có các thuộc hạ như:- Văn Xương đế quân coi về sự học hành, Quan Thánh đế quân coi về việc mua bán, Xảo Thánh Tiên sư coi về công nghiệp, Thần Nông Tiên đế coi về nghề nông, Đông Nhạc đại đế cai trị các địa phương, cùng với những phụ tá như :- Thanh Sơn vương, Thành Hoàng gia, Thổ Địa công, Địa Cơ chủ. Ngoài ra còn có những vị coi về phần âm như:- Phong Đô đại đế và Thập Điện Diêm Vương …Tất cả đều dười quyền cai trị, chỉ đạo, phân bổ của NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ .
Trong cơ sở lý luận của Đạo giáo, có sự phân chia rõ rệt của ba giới: trời, đất, người. Trời thì có 13 tầng, một tầng là ba mươi ngàn dậm. Khu vực “Trời ngoài” gọi là “Vô cực”, còn khu vực “Trời trong” gọi là “Thái cực”. Thái Cực thiên lại phân làm năm thiên là :- Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung Ương. NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ là vị thần tối cao, tất cả thần linh đều phải nghe theo lệnh của NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ . Sự phân chia Thái Cực thiên như sau:-
1.- Trung Thiên:- là nơi cư ngụ của NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ , nắm quyền điều khiển cả trên là ba mươi sáu “Thiên”, ba ngàn thế giới, lẫn dưới là bảy mươi hai “Địa”, tứ đại bộ châu có sanh linh đang sống. 2.- Đông Thiên:- do “Tam Quan Đại Đế” cai quản, chủ về việc ban phước tăng thọ, giải tai xá tội trừ nạn cho sanh linh. 3.- Nam Thiên:- do “Văn Hành Thánh Đế” cai quản, chủ về việc theo dõi ghi chép công tội , hay bổ nhiệm thăng giáng cấp của tất cả chư Thần. 4.-Tây Thiên:- do Thích Ca Mâu Ni cai quản, chủ về giáo dục tâm linh cho con người, dạy họ làm lành lánh dữ và qui y theo Phật để tu đạo giải thoát. 5.-Bắc Thiên:- do “Tử Vi Đại Đế” cai quản, chủ về việc ban cho tiền bạc, tài sản, cũng như họa phước con người.
Theo truyền thuyết thì NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ chính là “hóa thân” của “Đấng Tối Cao Thái Cực” trong Tam Thanh, là vị được cổ nhân sùng kính hạng nhất. Ngọc Hoàng cư ngụ nơi “Ngọc Thanh Cung”, chưởng quản hết từ trên là 36 thiên, ba ngàn thế giới, các bộ thần tiên, tới dưới là 72 địa, tứ đại bộ châu. Nói tóm lại , là chưởng quản tất cả chư Thần, Tiên, Phật, cho đến triệu ức sanh linh… do đó mới tôn xưng Ngài là “Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn Huyền Linh Cao Thượng Đế”.
Lại có một thuyết khác, cho rằng NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ là “Thiên Quan” của “Tam Quan Đại Đế”, giống như Tử Vi Đại Đế của Đạo giáo , nghĩa là một vị “Phước Thần” coi về phước, lộc , thọ. Tam Quan đại đế còn xưng là “Tam Giới Công”, gồm có:- “Tứ Phước Thiên Quan Tử Vi Đại Đế” ở cõi thượng nguyên, “Xá Tội Địa Quan Thanh Hư Đại Đế” ở cõi trung nguyên và “Giải Ách Thủy Quan Động Âm Đại Đế” ở cõi hạ nguyên, gồm lại gọi là “Tam Quan Đại Đế” vậy.
Danh xưng Ngọc Đế xuất phát từ sự tôn trọng “Ông Trời” của người thượng cổ. Thời đại nhà Ân, nhà Thương gọi vị thần tối cao là “Đế” hoặc “Thiên Đế” hay “Thượng Đế”, có nghĩa là một vị “VUA” có năng lực chi phối hết thảy trên trời dưới đất , hai bên chư thần văn võ. Đời nhà Châu (Chu) lợi dụng tinh thần sùng bái “Ông Trời” nầy mà gọi vua là “Con của Trời” (thiên tử) nên “vua nói ra thì tất cả phải nghe theo”.
Về lãnh vực “Họa hình” thì mãi tới đời Đường, Tống mới có chính thức. Đó là hình tượng một vị “mình mặc loại y phục Cửu Chương, đầu đội mão Thập Nhị Hành , tay cầm Ngọc Hốt, (玉笏 : Cái hốt, ngày xưa vua quan ra chầu đều cầm cái hốt, hoặc làm bằng ngọc, hoặc làm bằng tre, ngà, có việc gì định nói thì viết lên giấy để phòng cho khỏi quên. Ðời sau hay làm bằng ngà voi mà chỉ các quan cầm thôi—TĐHV Thiều Chửu). Hai bên có Kim Đồng, Ngọc Nữ theo hầu, hoàn toàn mô phỏng theo y phục của vua chúa Tần, Hán.
Theo “Cao Thượng Ngọc Hoàng Bản Hạnh Tập Kinh” viết:-
-Vào đời viễn cổ, có một nước tên là “Quang Nghiêm Diệu Lạc”, vua là “Tịnh Đức Vương”, hoàng hậu là “Bảo Nguyệt Quang” , đã lớn tuổi mà chưa có con trai. Một đêm nọ, nằm mộng thấy Thái Thượng Lão Quân bồng một đứa con nít trai đưa cho hoàng hậu. Tỉnh dậy, hoàng hậu biết mình có thai. Mang thai mười tháng, đến ngày mùng chín tháng giêng năm Bính Ngọ thì hạ sanh Thái Tử. Từ nhỏ, Thái tử rất thông minh trí tuệ, lớn lên đã phụ tá cho vua cha đắc lực, thương yêu dân chúng, làm việc thiện cứu giúp nhân dân. Sau khi nhà vua băng hà, Thái tử giao đất nước lại cho các đại thần rồi vào trong núi để tu hành. Trải qua tám trăm kiếp, hi sinh bỏ mạng để cứu chúng sanh, cuối cùng đạt đạo chân, phi thăng cõi trời, được muôn thần sùng kính ái mộ, đưa lên làm “NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ ”, cai quản khắp tam giới.
Ngày mùng chín tháng giêng âm lịch là ngày “Đản sinh” của Ngọc Đế (Thiên Công Sinh) . Tháng giêng là tháng khởi đầu của năm, chủ của bốn mùa, cây cối nhờ vào khí thủy mà từ đó sanh sôi nẩy nở thêm ra. Số “chín” là con số “lớn nhất” của các số, đại biểu cho ý nghĩa “cực đại, cực đa, cực cao”. Cho nên, người ta lấy con số “chín đầu tiên” (thượng cửu) của năm (9 tháng 1) làm ngày sinh của NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ là do ý đó.
Trong “Lãi Hải Tập ” của Vương Quỳ đời nhà Minh nói rằng:- “Nghĩa của ngày sinh thần minh là nghĩa của “sự bắt đầu”, cho nên lấy ngày mùng chín tháng giêng là thánh đản của NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ . Số bắt đầu từ “một” đến lớn nhất là “chín”, kết thúc của “sự bắt đầu” vậy”. Như thế, khi nói đến ngày sinh của các vị thần, chúng ta cần phải lưu ý đến hàm nghĩa của “con số” biểu trưng vậy.
Việc cúng bái NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ có nguồn gốc quan hệ đến sự sùng bái trời đất của người xưa và tư tưởng kính trời sợ đất của con người mà thành. Người xưa cho rằng, “Trời” là vị chúa tể của vạn vật, là nguồn gốc của sự sanh ra và nuôi lớn muôn vật, cho nên mọi người không thể không kính trời sợ đất, thuận theo trời mà hành đạo. Do đó, họ nghĩ rằng trong tự nhiên phải có một vị “thần minh tối cao” cai quản và chi phối hết thảy mọi vật. Nhà vua là người được mệnh lệnh của “Trời” cho xuống nhân gian để cai trị người. Nếu vua mà thuận theo thiên ý thì sẽ được mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, còn nếu nhà vua làm trái với thiên ý, thì “trời” nhất định sẽ giáng tai họa để trừng phạt. Mà nếu hễ nhà vua mà đã kính sợ “trời” thì các quan và dân chúng cũng phải kính sợ “trời”. Vua đã là người phụng mệnh “trời” để cai trị dân chúng thì nhất nhất không thể không sùng bái “trời”, cho nên phải có định kỳ “tế trời”, đó là chức trách tối quan trọng của nhà vua. Trải qua nhiều triều đại, mỗi năm nhà vua đều phải cử hành “LỄ GIAO” (lễ tế trời), nhưng chỉ có “nhà vua” mới là người “đủ tư cách tế trời” mà thôi ! Đến khi, triều đại phong kiến kết thúc, dân chúng mới bắt đầu được phép “tế trời”.
Theo trong các sách sử thì từ các đời Tần , Hán,Đường, Tùy, Tấn, Ngụy… đều có tổ chức “Lễ tế trời” rất trọng thể. Nhưng “trời” không thể hiểu như là “bầu trời xanh trên cao” kia được, khái niệm “trời” rất vô hình, mênh mông … thì làm sao biết chỗ nào, người nào… để cúng tế đây ? Từ đó, người ta phải cụ thể hóa “trời” bằng danh xưng “NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ ” để có đối tượng rõ ràng mà cúng bái.
Vì NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ là vị thần do con người tưởng tượng ra mà thành, nên không thể có “hình dạng cụ thể” được. Mãi cho đến thời vua Tống Chân Tông mới có hình tượng NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ như đã mô tả ở trên. Như vậy, chúng ta thấy có sự khác biệt về nhận thức của “Trời Vô Hình” lúc đầu và “Trời Hình Tượng” kể từ khi Đạo giáo thịnh hành. Còn trong dân gian, không cần nói đến ý nghĩa cao thấp , hữu hình vô hình gì cả, mà trong đầu mỗi con người Trung Quốc đều mang nặng, khắc sâu hình tượng “ÔNG TRỜI” hiện diện rất thân cận, gần gũi và mật thiết với họ.
Việc cúng tế “Ông Trời” phải được thực hiện sao cho có phần long trọng, trang nghiêm hơn các “thần minh’ khác, vỉ Ngài là vị quyền uy tối cao trên tất cả thần thánh khác. Do đó, lúc đầu không ai dám đưa hình tượng nào ra về Ngài, chỉ dùng hai biểu tượng là “Thiên Công Lô” (lò hương cúng trời) và “Thiên Công Tòa” ( ngai vua trời) để cúng bái mà thôi. Các Miếu thờ đều đặt “Thiên Công Lô” ở trước cửa, khi cúng bái thì ngẫng mặt lên bầu trời mà van vái, từ đó phát sinh tục lệ “đốt nhang” trong cúng tế.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện đạo

Dịch nghĩa bài vị Thần tài