Thờ Thần tài có cần thờ ai cụ thể không?

Có, phải cụ thể là thờ ai làm thần tài của nhà mình, không thờ chung chung được. Cũng như thờ Đức Phật thì phải là Đức Phật nào, thờ Thần linh thì phải Thần linh của nhà nào, căn hộ nào, thờ Gia tiên thì phải gia tiên dòng họ nào hoặc tên Ông Bà cụ kỵ nào. Trong bát hương thờ Thần tài phải có Dị hiệu ghi rõ như vậy.

Hiện nay có tình trạng nhiều nhà lập ban thờ Thần tài, nhưng không rõ thờ ai, thậm trí không biết có Thần về hay không. Qua kiểm tra nhiều ban thờ Thần tài ở các nhà và các cửa hàng tác giả thấy rất ít ban có Thần về. Thậm trí không ít ban thấy có các “Thần” mặc quần đùi áo may ô!? Có lẽ đấy là những vong hồn phiêu bạt ngoài đường phố, thấy có lộc thì vào xơi? Thế thì hy vọng gì ở họ được? Cho nên thờ ai thì phải có tên hiệu cụ thể.

1) Nên thờ ai làm Thần tài?

Theo tác giả thì có thể thờ một trong các vị sau đây làm Thần tài cho gia chủ:

- Triệu Công Minh, hay Triệu huyền Đàn. Đây là vị Thần mà người xưa vốn tôn thờ là Thần tài. Ngài có dung mạo oai phong, có khả năng trừ ôn diệt ác, nhờ thờ Ngài mà có được tài. Thường các nhà quan võ hay thờ Ngài làm Thần tài.

- Quan Vân Trường. Ngài là một danh nhân nổi tiếng thời Tam Quốc, nhân vật mà nhiều người biết trong truyện Tam Quốc diến nghĩa. Nhiều nhà thờ Ngài như một thần Tài. Những nhà có truyền thống võ bị thờ Ngài rất tốt. Người ta thờ Ngài còn vì những mục đích khác ngoài cầu tài.

- Tài Bạch Tinh Quân, còn gọi là Thái Bạch Tinh Quân. Tương truyền ông là Kim Thần trên Trời, được nhà Trời giao chuyên quản kim ngân, tiền bạc của nhà Trời. Ông có diện mạo trông phúc hậu. Những nhà làm nghề buôn bán thường thờ ngài.

- Ông Lộc. Là một trong 3 vị Tam đa Phúc Lộc Thọ. Tương truyền ông có tên là Đông Phương Sóc, ngũ đại đồng đường, lộc đủ nuôi 5 đời ở cùng một nhà ăn cùng một mâm. Các nhà làm nghề kinh doanh thường thờ Ngài. (Nếu có thờ cả 3 vị Tam đa thì cũng chỉ có ông Lộc là giúp mang tài về mà thôi).

- Bà Chúa Kho. Bà là người có công tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, cai quản kho lương vào thời kỳ chiến trận sông Như Nguyệt. Bà mất năm 1077 trong cuộc kháng chiến chống quân Tống ở phương Bắc. Nhà vua phong Bà là Phúc Thần. Dân dựng đền thờ Bà ở núi Kho và vẫn quen gọi Bà là Bà Chúa Kho. Đền thờ Bà còn có ở một số địa phương khác nữa. Người buôn bán kinh doanh chân chính thờ Bà làm Thần tài rất tốt.

- Thổ Thần tại gia. Nhà có đất rộng thì có thể lập một cây hương thờ Thổ Thần trong vườn đất nhà mình. Ngài là Thần được giao quản khu đất nhà ta, nên thờ Ngài để được trợ giúp về Tài vận và sự an lành cũng rất hiệu quả.

- Thần linh+ Gia tiên. Thành tâm thờ Thần linh Gia tiên trên bàn thờ tại gia sẽ được trợ giúp về Tài vận và nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống. Cho nên bàn thờ Thần linh Gia tiên cần phải đặt tại góc trụ tài trong phòng. Và việc thờ cúng phải luôn thành tâm.

2) Khi lập ban thờ Thần Tài thì cần tránh mấy quan niệm sai sau đây:

- Thờ không rõ Thần nào;

- Thờ Thần Tài và Thổ địa chung trong một ban;

- Đặt ban thờ Thần tài dưới đất mà không đặt trên cao;

- Đặt ban thờ Thần tài ngay trước cửa ra vào mà không đặt vào góc tụ tài.

- Trong ban thờ Thần tài đặt quá nhiều thứ cầu tài khác gây lộn xộn.

- Thắp đèn đỏ hoặc đèn sáng trong ban thờ.

3) Ban thờ Thần tài cần đạt các yêu cầu sau đây:

- Có bát hương với Dị hiệu ghi rõ thờ ai làm Thần tài cho ta;

- Không thờ chung với Thổ địa;

- Ban thờ Thần tài, cũng giống như ban thờ Thần linh Gia tiên, cần đặt vào góc tụ tài và phải có tọa hướng hợp với mệnh chủ nhà. Góc tụ tài xác định theo từng phòng theo sơ đồ

- Bày biện đơn giản, có thể đặt mấy thứ sau đây: Tượng Thần tài hoặc Bài vị, bát hương, lọ hoa, lọ cắm hương, chén nước, đĩa bày đồ lễ chay. Cạnh ban thờ có thể đặt một Tỳ hưu cầu tài, hoặc 1 cóc ba chân, hoặc 1 quả cầu thu tài. Tỳ hưu hoặc cóc 3 chân đặt trông về đâu cũng được, tốt nhất là trông ra cửa đi hoặc cửa sổ. Chỉ nên đặt 1 thứ thôi, đặt nhiều là tham vọng đấy!. Bên thành ban thờ có thể dán Phù cầu tài để trợ giúp thêm. Dán trong hay ngoài ban thờ, hoặc dán trên tường bên cạnh ban thờ đều được.

- Không thắp đèn trong ban thờ, tối kỵ là đèn đỏ. Khi cúng có thể thắp 1 đèn dầu hoặc một ngọn nến nhỏ lửa.

- Ban thờ tối kỵ để nắng và gió thổi vào, tránh đặt gần cửa ra vào hoặc trên lối đi lại làm cho ban thờ sẽ luôn bị xáo động.

(GS TS Nguyễn Tiến Đích)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngọc Hoàng Thượng đế

Chuyện đạo

Dịch nghĩa bài vị Thần tài