Thần mắt vua Thành Thái trị cọp trắng Bách Thú

Bài này trích tập hồi ký “Sejour enchenteur en Annam” của Jean Fauriel, đại tá, chánh võ phòng toàn quyền Paul Doumer trong đoạn về Hội Cầu (7-1902)... khi vua Thành Thái ngự giá Bắc Tuần đặc biệt là vụ nhà vua một mình vào chuồng hổ Bách Thú. Đây là một chuyện thật rất lạ.


Tháng 7-1902 tức tháng 6 năm Nhâm Dần, Pháp mở hội Cầu linh đình mời vua Thành Thái ra Hanoi chủ tọa danh dư lễ khánh thành cầu sắt Đu-me dài nhất Á Châu hồi đó (gần 2 cây số) khởi công từ 1898 đến 1902. Sau cuộc lễ tại khán đài dài 100m dựng dưới bệ chân cầu (phía đầu dốc Hàng Khoai) vua Thành Thái được viên oàn quyền Đông Dương P.Doumer hộ giá đi ngự khán các thắng cảnh cố đô, thăm các đền Hai Bà, Bạch Mã, Ngọc Sơn, Đền Giám, Quan Thánh.

Tại đây dân làng dàn đầy nghi trượng, nhang án bái mạng: các hương hào bô lão áo thụng xanh xếp hàng trước đền nghênh giá, rồi rước vua vào đền giữa tiếng nhã nhạc, chuông trống nổi lên. Vua không bước vào chính điện, tiến thẳng vào trong cung theo sau là đoàn quan khách Pháp Nam tùy giá. Đến trước bệ tượng thần Trấn Vũ khổng lồ đồng đen cao 4m gần đụng nóc, vua Thành Thái khựng lại đứng ngó thần tượng nghiêm giọng quở phán:

- Từ Lê triều đến bản triều, thần tướng được sắc phong hàng Tứ thần Bắc thành, tri nhậm Bắc môn, vậy uy vũ thần thông đâu mà để ngọai quân xâm lấn thành đến 2 lần năm Dậu, Ngọ (1873 – 1882) khiến đất nước lệ thuộc há chẳng phải làm nhục mạng Triều đình sao ?”

Vua dứt lời bổng gió lớn nổi lên làm đứt lơi tấm rèm đỏ từ trên mái rủ xuống sàn che trước tượng, đồng thời trên toàn khối đồng đen tượng hiện hiện lên lấm tấm những hạt nước óng ánh như giọt sương tên cỏ. Thoáng sau, các giọt nước lớn mọng lên bằng hột bắp rồi ròng ròng chảy xuống như mồ hôi vã trên da. Thấy vậy các hương lão kỳ mục và viên thủ từ quỳ xuống chắp tay vái lạy vua liên hồi, miệng kêu xin trả tội cho thần tướng (cũng là Thần Hoàng của họ).

Không nỡ, vua bỏ ra ngoài. Lúc đó, tôi (J.Fauriel) đứng cách sau vua vài bước, bên toàn quyền Doumer, thấy vậy làm lạ, bèn hỏi con trai Cựu Kinh Lược Sứ (Hoàng Cao khải) là Ngự Tiền thông sự Hoàng Trọng Phu. Sau khi được Phu giải thích hiện tượng kỳ bí vừa xảy ra, tôi rút khăn tay, lau miết khô chổ mặt hia tượng ý muốn phối kiểm hiện tượng mà tôi cho là hơi ẩm ướt không khí đọng lại chứ không phải mồ hôi ông thần thoát ra như người sống. Nhưng rồi tôi sửng sốt khi toàn quyền Doumer cũng ngạc nhiên như tôi trước hiện tượng khó lý giải này. Dù chẳng muốn tin là hiện tượng thần bí cũng không được vì tôi đã lặp lại 2 lần việc lau khô một chổ khác trên vạt áo tượng. Nước lại đọng nữa như người toát dương lau ráo mồ hôi lại toát ra.

Doumer khích khéo vua vào chuồng hổ

Đoàn tùy giá theo vua ra khỏi đền Quan Thánh lên xe tới vườn Bách thú gần đó. Vua Thành Thái được hướng dẫn đi coi các chuồng thú và đi thuyền thăm cù lao Bách Cầm giữa hồ Bán Nguyệt nuôi các loại chim lạ, công, trĩ, phụng (paradisier) đây trong đoàn ủ màu sắc. Vua chợt nghe tiếng cọp gầm, đòi tới coi. Viên giám thị Tây trong đoàn tùy giá tâu:
“ Từ hơn 10 ngày nay có một chuồng mãnh thú không được quét rửa vì một cọp lớn vừa bắt nhốt tại đây quá hung dữ phá chuồng không ai dám đến coi. Cọp này rất hiếm như voi trắng, khó bẫy, nên nấn ná không nỡ bắn bỏ, hy vọng ít ngày nó sẽ thuần hiền. Nhưng đến hôm nay nó vẫn hung hãn hầm hang như ngày mới đưa từ rừng về.
Hễ cứ thấy bóng người kể cả phu chuồng đem đồ ăn thịt sống đến là nó từ trong nhảy vọt ra coi như không có trấn song sắt ngăn cản. Bị dội trở lại, nó cứ phóng tới phía người hoài như không biết đau đớn…cho tới khi không thấy ai đứng trước chuồng mới thôi.

Thoạt đầu cho nó ăn 3 ký một ngày, sau 2 ký vì muốn cho nó đói sẽ bớt hung hăng. Nhưng cũng chẳng thấy bớt phần nào định rút còn một kỳ rưỡi lại sợ nó đuối sức chết, đành để vậy. Tình trạng khiến chuồng nó quá ghê tởm, phân tiểu ruồi bọ nhơ nhớp, e ngài ngự tới coi sẽ không chịu nổi ?

Thủ hiến Đông Dương mỉm cười nói:
“Lúc này, ước gì có cặp mắt Nã-Phá-Luân (Napoleon) đại đế chế phục cọp dữ để phu vào quét dọn sạch sẽ trước khi bệ hạ tới ngự khán”.

Vua Thành Thái hỏi:
”Chẳng hiểu long nhỡn đại đế như thế nào, chứ trẫm thấy cặp mắt chớp điện của ngài Toàn quyền cọp thấy chắc cũng phải kinh oai”.

Doumer lắc đầu mỉm cười:
- Làm sao bản chức có được cặp nhỡn sấm sét như của đại đế Nã-Phá-Luân ? Chỉ có những bậc chân mạng thiên tử như Bệ hạ mới có thần nhỡn chế ngự mãnh thú mà có lẽ Bệ hạ cũng không ngờ.

Câu nói của Doumer đã mơn trớn mặc cảm tự tôn của nhà vua, ngài phán:

- Trẩm nghe tâu có bạch hổ bất trị, muốn tới coi cho biết cọp lạ này. Thực ra như ngài thủ hiến vừa nói, trẫm đã có vài lần chế phục thú dữ. Năm 10 tuổi sắp làm vua đã cứu phu nhân (mẹ đẻ vua, tức phu nhân Thụy Quốc Công Dục Đức hồi đó) suýt bị con khuyển điên trong hưu mạc xúc phạm.

Khuyển này của ngục quan rượt cắn một cung nhân rồi nhào tới chổ sập phu nhân ngồi. Lúc đó còn nhỏ, hầu bên mẹ, thấy nguy. Trẫm vùng đứng lên không sợ sệt, nhảy xuống cản trước ác khuyển, lớn tiếng quát nạt. Con vật khựng lại nhe nanh gầm gừ rồi cúp đuôi lủi mất.

Mấy năm sau, bên trại cấm binh, Thương vệ úy có một thới tượng già trên 100 tuổi, ngà sút lung lay muốn rụng. Quá đau nhức, voi ngày đêm rống la làm náo động kinh thành; phá chuống sút đứt lòi tói xiếng sắt. Vệ úy chạy sang Cung Hiển Thánh tâu xin phép bắn hạ, nhưng trẫm không cho vì cấm lệ từ Cao Hoàng triều không được giết voi ngựa trận già trừ phi chúng nổi điên hại người.

Rồi trẩm tới đó coi, thấy trẫm tiến đến trước chuồng, voi gục gặc đầu ngồi xuống nghênh giá. Trẫm vuốt ve trán, vòi nó, vỗ về cho nó biết trẫm không cho phép bắn nó. Voi đứng im nghe, 2 tai phe phẩy, co cẳng đu đưa, gật đầu liên hồi ra dấu tạ ơn trẫm khi nghe trẫm biểu nó sắp tới cõi về chầu tiên đế, hãy giữ trọn lành, chớ tạo ác nghiệp.

Voi nhỏ lệ, cúi đầu nghe mệnh. Từ đó nó thôi gầm rống, hết phá chuồng; lúc quá đau nhức chỉ thở phì phò như kéo bể rồi nghếc đầu trên đống cỏ, nước mắt tràn rụa, hơn tháng sau mới chết.

Doumer tâng bốc:

- Bệ hạ quả là bậc chân mạng mới đủ thần oai cảm hóa được mãnh thú !

Như không để ý đến lời xưng tụng của viên toàn quyền, vua tới giám thị Phám đứng bên:
“Trẫm tới coi bạch hổ ông hãy hối phu đến dọn chuồng đỡ dơ!”

Viên giám thị có vẽ phân vân nghi ngại; vua phán tiếp:
“Hãy cho phu tới dọn dẹp ! Có trẫm, cọp không dám hỗn”.

Doumer đưa mắt ra dấu cho giám thị mau thi hành lệnh vua. Lát lâu sau, ba phu vườn tề tựu đồ nghề sẵn sàng bắt tay vào việc. Một gã leo lên móc, điều khiển vòng xoay răng cưa kéo cánh cửa sắt lên để dưới đất, trước chuồng, một gã khác lùa sao để cọp vào căn trong trước khi khởi sự quét rửa.

Một mình vua với cọp trắng trong chuồng.

Lúc đó vua Thành Thái còn trẻ (24 tuổi). Quan Chưởng Phủ tùy giá Ưng Thân hiểu ý Doumer muốn khích vua vào chuồng hổ (hồi đó Pháp không ưa vua Thành Thái vì ngài tỏ ra không ưng thuận như Khâm Sứ Rheinard đã trông chờ) nên trên đường đi tới chuồng thú, quan tùy giá thấp giọng tâu can vua chớ để mắc mưu Pháp, vào chuồng cọp dữ. Ngài mỉm cười:

- Biết lắm chứ ! Nhưng trẫm cần cho họ thấy vua Nam chẳng thua đại đế họ.

Quan Chưởng sự có sắc lo ngại vì cọp bạch quá hung hãn và không lường trước được chuyện bất ngờ, có thể làm trò cười cho họ. Nhưng vua đầy tự tin, phán:

- Cũng như bạch tượng, bạch hổ là giống giác linh, ắt không dám phạm giá: khanh chớ bận tâm!

Vua dứt lời thì đoàn tùy gí cũng vừa tới khu chuồng mãnh thú hình móng ngựa. Con bạch hổ lớn như bò mộng, lông đã ngả mầu xám lợt, đang vờn qua vờn lại trước hàng trấn song sắt lớn hơn ngón tay cái. Bỗng nó khựng lại, vệnh tai, dớn dác rồi gầm như sấm nổ, chồm dựng hai cẳng lên bám song sắt khi thấy có bóng người và tiếng chân bước đến gần.

Nó lồng lộng hầm hang thêm dữ hơn khi tấm cửa sắt ken két kéo lên chờ nó chun qua, nhất là lúc gã phu xuất hiện trước chuồng, tay cầm sào dài lùa qua trấn song dồn cọp vào căn trong. Bạch hổ hầm hè nhe nanh dựng đứng râu ria dễ sợ, lừ mắt không rời cây sào rồi, lẹ như chớp nó..cắn, dập cây tre hóp cứng hơn gỗ. Chưa hết, nó cong mình nhảy trái, phóng bàn móng sắc qua khe trấn cong, tát vào tay gã phu. Hoảng hồn, gã buông vội cây sào gãy, co giò dông mất.

Vua thấy phu không dồn được cọp, ngài nhất quyết vào chuồng, làm việc đó cho họ. Cả đoàn tùy giá nhất tề can vua vì cọp quá dữ. Viên toàn quyền tỏ ý với vua là y hối tiếc đã vô tình nêu câu chuyện mắt đại đế Nã-Phá-Luân khiến vua muốn vào chuồng cọp để cho thấy đế mạng của ngài. Vua mỉm cười phán:

- Ngài Thủ hiến và các khanh sợ cọp dữ nên can trẫm nhưng trẫm không sợ cọp nên không nghe can. Chẳng qua cọp cũng là thần tử như chư khanh. Trẫm không hại nó, làm sao nó dám phạm giá ?

Dứt lời, vua phân biểm giám thị Pháp dẫn ngài đến cửa chuồng. Đoàn ngư giá đi vòng ra phía sau khu chuồng móng ngựa. Không thấy bóng người nữa, cọp bớt lồng lộn phá chuồng, vờn qua vờn lại, trán mai miết trấn song như muốn tìm lối thoát một cách vô vọng.

Thình lình, nó khựng lại gầm như sấm, dáo dác đôi mắt rực lửa ngó về sau chuồng. Nó vừa thóang thấy bóng người và tiếng bước đòan ngự giá, đi đầu là vua Thành Thái, uy nghi trong bộ bào vàng thọ đóa, đầu đội khăn hòang đọan thêu kim tuyến, quần vóc vàng chít ống bỏ trong đôi hia vàng thêu tản vân. Hông trái đeo bội kiếm ngắn, vua tiến đến trước cửa sắt, có giám thị theo sau.

Viên này xách vòng chìa khóa, sẵn sàng để mở cửa chuồng. Sau giám thị là 2 thị vệ vua mang kiếm tuốt trần cùng 2 cận vệ của tòan quyền tay cầm súng sáu. Chót cùng là Chưởng phủ sự Ung Thân lăm lăm trong tay thanh quất lưỡi cong. Kỳ dư đoàn tùy giá còn 7, 8 người đứng ngòai xa nhìn vào. Viên thủ hiến và chánh võ phòng Fauriel không có trong số này, đứng cả phía trước chuồng, thập thò chờ coi màn đối đầu có thể là hi hữu nhất đời họ giữa vua nước Nam và “ông Bạch” bách thú như người ta gọi hồi đó.

Vua tiến đến cánh cửa sắt chừng một thước, dừng lại khóac tay cho giám thị bước lên mở cửa. Trong chuồng, cọp thấy người lồng lộn hầm hang, cào bàn móng xột sột trên nền gỗ, nghe hết hồn. Có điều kỳ lạ nó không nhảy vọt tới cửa nhưng vẫn nhào vào trấn song trước chuồng khi thấy bóng người lấp ló. Viên giám thị xoay 2 vòng chìa trong ồ khóa đoạn lui lại vài bước, nhường chổ vua tiến lên tự tay mở vô.

Ngài đưa tay nắm trấn song cửa, nhưng chưa kéo ra, day đầu về đòan tùy giá, vua xua tay ra hiệu hãy lùi ra thật xa, đứng thấp thóang đứng gần cửa chuồng. Mắc dù có lệnh vua họ đều băng khoăn do dự vì sứ mạng bảo giá, không đành để vua một mình với cọp dữ. Vua hiều ý nghiêm sắc phán rằng:
Cọp thấy nhiều người, súng gươm nai nịch có thể kinh tâm làm hỗn. Ngài muốn vào chuồng để dụ cọp chứ không dọa cọp. Và ngài nhủ mọi người hãy vững tin nơi ngài sẽ không có chuyện chi cũng như ngài tin nơi ngài nên không sợ hãi và khỏi cần sự trợ oai, hộ vệ.

Khi đoàn tùy giá đã lùi xa khuất sau tường đá, vua Thành Thái mới ung dung đưa tay kéo mở cửa sắt. Cánh cửa ken két xoay gần nửa vòng, vua co cẳng bước vô, lại đặt xuống vì trên sàn chuồng tràn ngập phân dơ, tiểu cọp lênh láng, ròi bọ lúc nhúc, không có chổ ngài đặt hia trong khi xú uế xông lên nồng nặc.

Tuy nhiên vua vẫn không lộ vẽ ghê tởm, nhăn mày bưng mặt như viên giám thị đứng sau luôn miệng nhổ xì xọet chờ vua mở cửa là lật đật tháo lui như bị ma đuổi. Không chùn bước trước cảnh dơ dáy, vua đóng cửa sắt lại, đứng trấn phía trước, ra lệnh cho 2 phu vườn lùa vòi nước qua trấn song xối mạnh rửa một góc chuồng lấy chổ ngài xê dịch dễ dàng.

Đọan vua mở cửa bước vào trong chuồng đứng xọac cẳng trấn ngang bực thềm, hai tay chống nạnh thủ thế quan sát phản ứng mãnh hổ. Thật không ngờ ! Cọp chỉ gầm lên một tiếng, nhe nanh cào móng rồi chồm lên hạ xuống, đảo qua vờn lại trong góc chuồng như bị thần oai vua chế phục. Nó không hầm hè thu mình chụp móng nhào tới chụp vua như nó vẫn làm khi thấy có người.

Tòan quyền Paul Doumer, viên quan năm võ phòng và giám thị đứng nín thở trước họat cảnh đã ngó nhau sững sờ… Trong chuồng vua nhích bước lần đến gần cọp, mắt ngài vẫn đăm đăm như thôi miên không rời mắt ác thú. Còn cách 3 thước, bạch hổ bỗng chồm dựng 2 cẳng lên vịn vào trấn song dường như muốn tránh né thần mắt áp đảo của nhà vua, nhưng nó vẫn hầm hè nhe nanh ngóai cổ ngó chừng.
Vua rút lê thanh bội kiếm chiếu mũi nhọn vào trán mãnh thú, nạt lớn như một lệnh truyền:
"Quỳ ! Bạch Hổ Quỳ !"

Cùng lúc ngài chỏ mũi kiếm xuống sàn, ra dấu bắt nó quỳ. Khi vua lập lại lệnh này lần thứ ba, cọp gầm lên, buông 2 cẳng trên trấn song xuống rồi vươn mình về phía vua, đầu cúi xuống trong điệu bộ quỳ bái. Vua gật đầu khen:
"Hào a ! hảo ! Trẩm miễn lễ ! Miễn lễ !"

Cọp bạch vẫn rạp đầu trên 2 cẳng ruỗi song song như vươn vai. Đến câu “miễn lễ” thứ ba dứt, nó đứng thẳng lên, mắt lấm lét vẫn ngó chừng thỉnh thỏang gầm gừ nhẹ rồi vờn qua vờn lại hướng về phía vua với dáng rụt rè, bớt hung hãn.

Vua lại chĩa kiếm vào cọp, tay trái chỏ vào khung cửa sắt đã kéo lên, ra dấu cho nó chun qua; ngài lại hạ lệnh: Nhập ! bạch hổ cấp nhập ! Cọp hầm hè ngó vua rồi lại ngó về phía cửa sắt, đuôi ngoe nguẩy. Vua nạt lệnh lần nữa gắt hơn, mãnh hổ rống lên một tiếng, riu ríu bước đến khuôn cửa sắt, nhưng còn hơn thước, 2 cẳng nó bỗng chùn lại. Vua lại nạt nữa; cọp chần chừ e ngại, định chui vô lại thôi, cứ như thế 2 ,3 lần… Vua quát một tiếng thật lớn, đập nằm lưỡi kiếm xuống sàn xi măng vang lên tiếng thép chát chúa. Không cưỡng được nghiêm lệnh, cọp rống lên rồi thấp mình, cúp đuôi chui tọt qua. Cánh cửa lập tức hạ xuống. Thế là xong !

Bên ngòai, 3 viên chức Pháp tận mắt thấy từ đầu đến chót màn nghẹt thở giác đấu không đổ máu và mồ hôi này cũng vổ tay hoan hô nhà vua, đã dũng cảm phi thường dùng thần mắt, thần oai chế ngự được cọp dữ bách thú, một thành tích mà suốt 55 năm, từ năm Canh Tý (1900) khai lập sở thú Hanoi đến 9-10-54 ngày Pháp rút khỏi Bắc hà, chưa có người thứ hai làm được như vua Thành Thái.

So sánh với thần mắt Nã-Phá-Luân

Chiều hôm đó, trong bữa dạ tiệc tại biệt điện, tòan quyền lại một lần nữa tán dương thành tích xuất chúng của vua. Khiêm nhượng, ngài cho rằng đó không có gì đáng ca tụng.

Người ta sợ cọp, thấy ai sai khiến được cọp thì cho là can trường táo bạo. Cũng như kẻ dạy thú không sợ thú mới dám vào chuồng biểu diễn sai khiến thú.
Tất cả do “Tâm” mà ra, do “Tâm” có định hay không. Kẻ dạy thú tâm định vững tin nơi mình nên không sợ, khán giả tâm không định nên hỏang kinh. Các nhà tu đạo ở rừng núi một mình, không sợ thú dữ vì họ tâm định tin nên vô úy vô ngại. Chính âm định đó tạo nên cái oai khiến ác thú phải kiêng nể.
Trẫm cũng do tâm định tin nơi mình mà dám vào chuồng cọp. Chắc đại đế Nã-Phá-Luân xưa vào chuồng sư tử cũng vậy.

Rồi vua yêu cầu viên tòan quyền thuật lại thành tích của đại đế Pháp, Doumer kể:

“ Nước Pháp gần 200 năm lịch sử chỉ có Nã-Phá-Luân đệ nhất, tay không vào chuồng sư tử một gánh xiếc Ý lớn nhất Âu châu ngày đó. Gánh này treo bảng thách thức bất cứ ai không khí giới, vào lồng sư tử đang trình diễn, hôn tay cô dạy thú (dompteuse), rời khỏi chuồng an lành sẽ lãnh 5000 Ý kim (bằng 3 triệu lires ngày nay) hoặc lãnh một cặp vợ chồng sư tử.

Trong 4 năm gánh xiếc trở lại Ba-Lê 2 lần vẫn duy trì bảng thách đố mà chưa ai dám thi thố liều mạng. Ít lâu sau lễ đăng quang, đại đế nghe tâu về gánh xiệc này và hay tin sở thú Vincennes có 2 sư tử bị sét đánh chết. Vài ngày sau ngày cùng 2 cận vệ và trùm mật vụ Vidcoq vi hành đến coi vào cuối chương trình đúng lúc lồng sắt dựng lên chuẩn bị màn mãnh thú. Vì vận thường phục đội cát-két kín trán không ai nhận ra, đại đế đến gỡ bảng móc ờ lồng sắt giữa tiếng vỗ tay hoan hô vang rền của khán giả.

Sau thủ tục ký tờ cam đoan dưới tên Batholomes, chủ gánh dẫn ngài ra diễn trường giời thiệu với cử tọa và sau đó ngài mở cửa lồng vào lúc nữ nghệ sĩ bắt đầu cầm chĩa điều khiển mảnh sư đi trên trái cầu khổng lồ lăn vòng quanh diễn trường. Từng chập nó nhảy bổng lên cao..rớt xuống, 4 móng vẫn ôm lăn trái cầu, không mất thăng bằng, không té. Cánh cửa sắt chợt két mở, sư tử day lại thấy đại đế đóng cửa, tiến vào, mắt đăm đăm nhìn nó như thôi miên. Bờm cổ nó xù lên, râu dựng ngược, nhe nanh phì phè dễ sợ như sắp phóng tới chụp người lạ.

Nhưng đại đế không sợ sệt, vẫn bước đến bên nữ nghệ sĩ, vừa chăm chăm ngó nó bằng cặp mắt như phóng ra những tia điện chế ngự ác tính sư tử. Rồi bờm nó từ từ hạ xuống, thôi ngo ngoe nguẩy trong khi ngài cười chào cầm tay cô dạy thú hôn. Mãnh sư bổng gầm nổ, nhe nanh xù bờm. Đại đế cũng thét nạt một tiếng lớn cướp tinh thần sư tử muốn làm dữ. Ngài buông tay nữ nghệ sĩ mắt vẫn thôi miên nó, vừa bước trở lui về phía cửa, ra khỏi lồng giữa những tràng pháo tay rào rào hoan hô nồng nhiệt cửa cử tọa. Sau đó, hòang đế bỏ mũ nghiêng chào, khán giả mới nhận ra ngài, lại ran vỗ tay hoan hô “Muôn năm đại đế !”

Nghe đến đây, vua Thành Thái thắc mắc nêu câu hỏi tại sao gánh xiệc không đặt điều kiện đòi người nhận thách đố phải sai khiến sư tử thực hiện một động tác nào đó ví dụ nhảy qua một ghế cao chẳng hạn hoặc phải vuốt bờm vuốt lưng hay đuôi nó hơn là đòi hôn tay người nữ dạy thú chẳng có gì là khó khăn nguy hiểm cả. Viên tòan quyền đáp:

- Cuộc thách đố đó có vẻ không có gì là khó khăn, nguy hiểm nghĩa là chỉ cần đủ can đảm khơi khơi đi vào chuồng sư tử.. đến hôn tay cô dạy thú rồi trở ra là ăn giải nếu ác thù không làm “khó dễ” đương sự trong chuồng. Thực ra, điều kiện “hôn tay: còn nguy hiểm hơn việc vuốt bờm, vuốt lưng hay đuôi sư tử. Chính điều kiện này đã làm toi mạng và mang tật trọn đời cho tất cả 9 người tại Âu Châu, Trung Đông và Bắc Phi trong đó có 5 người chuyên nghề dạy thú và biểu diễn thú (montreur).

Vua Thành Thái chưa kịp phản hồi, Doumer lại tiếp:

- Thoạt tiên, gánh xiệc đặt điều kiện “ôm hôm hai má nữ nghệ sĩ”. Do điều kiện “hôn má” này mà vua dạy thú Hồng Mao gánh Harmley nổi tiếng của Anh Quốc với gần ba chục tuổi nghề đã bị cắn đứt lìa cổ, đầu nát ngướu nằm gọn trong hàm sư tử. Vì tai nạn nghề nghiệp này mà chủ gánh đã phải hủy bỏ điều kiện “ôm hôn má” bằng “hôn tay”.

Vua cười phán: Sư tử cũng cả ghen như người sao ?

- Đúng vậy. Chủ gách xiệc đã khai thác máu ghen bệnh họan của sư tử mà đặt ra cuộc thách đố. Mãnh thú ghen luôn cả với vị hôn phu nữ nghệ sĩ. Tôi nhớ tên chàng này là Montebello cũng là tay dạy thú tên tuổi Tây Ban Nha, hồi đó cộng tác với một gánh lớn lưu diễn khắp thế giới.

Tình cờ 2 gánh gặp nhau tại Ba-lê, Montebello tới thăm cô vợ sắp cưới. Con sư tử của nàng lại không chịu bất cứ ai bắt tay, chuyện trò, hôn hít cô thầy nó. Một hôm Montebello vô ý đứng dây lưng vào chuồng thú tình tự với nữ nghệ sĩ, không để ý đến con sư tử đang xù bờm trong chuồng. Đến lúc chia tay, chàng ôm hôn nàng. Bỗng một tiếng gầm vang. Montebello bị mãnh sư tát qua khe song sắt trúng vai rách trong 5 lần áo, cáo nát da thịt thấu xương máu ra lênh láng, phải đưa đi nhà thương, nằm 2 tháng chưa lành.

Vua Thành Thái khen:
Thực đáng bậc đại đế ! Ngài đã tay không đương đầu với mãnh sư chúa sơn lâm, một chúa sơn lâm biết hờn ghen như người còn khủng khiếp nguy hiểm hơn ! Trẫm xin bội phục và coi việc vào chuồng cọp sáng nay chẳng đáng kể gì.

Lời vua thành thực nhưng Doumer lại cho là lời khen mát mẻ, đáp:
“ Nếu phân tách tỉ mỉ thì không có sự hơn kém và cả 2 thành tích đều phi thường. Mỗi bên có những ưu điểm riêng mà bên kia không có.

Bệ hạ đi đối đầu với cọp rừng, mới bắt về, chắc chắn là hung dữ - Nếu không hơn cũng bằng sư tử thuần nhưng cả ghen. Bệ hạ có bảo kiếm để trợ oai sai khiến cọp, còn Nã-Phá-Luân tay không lại có cặp mắt bất khả kham (regard insoutenable) chế ngự sư tử. Một bên bức cọp điên tuân lệnh, một bên khiêu khích lửa ghen mãnh sư. Vậy khó mà phân biệt bên nào hơn kém !”

2 tháng sau vụ này, tòan quyền Beau sang thay Doumer. Sau khi vua Thành Thái hồi loan, quan phụ chánh Trương Quang Đản có phàn nàn với khâm sứ Rheinard về chuyện tòan quyền Doumer khích khéo vua vào chuồng hồ. Và kế đó, trên tờ Lục Tỉnh Tân Văn tai Saigon do Phủ Chiếu (Gilbert Trần Văn Chiếu) chủ biên cũng khui lên vụ này, đã gây xúc động trong quần chúng Miền Nam hồi đó.

Giám đốc chủ nhiệm tờ bào Pierre Jeantet, một Pháp kiều thân Việt cũng biên thư cho anh là Paul Jeantet, chủ tịch Hạ Viện Pháp, chỉ trích thái độ Doumer đã giảm uy tín nước Pháp bất lợi cho đường lối cai trị ờ Đông Dương ngày đó.

(Trích trong báo Khoa học Huyền Bí – xuân 1974)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngọc Hoàng Thượng đế

Chuyện đạo

Dịch nghĩa bài vị Thần tài