Báu Vật Chùa Miên

Những ngôi chùa Miên thường có rất nhiều báu vật. Ví như Chùa Tháp, Chùa Vàng, Chùa Bạc…..nổi tiếng vì hàng trăm tượng Phật bằng Vàng, bạc, kim cương, ngọc bích.v.v… Sự quý giá của các bảo vật đó được ca tụng trong hàng ngàn trang sách báo, các tour du lịch tham quan mang về cho đất nước sở tại hàng triệu triệu đô…..Thế nhưng, những ngôi chùa đó chưa bao giờ có được Báu vật phi thường…..



ĐHC còn nhớ lúc đó đang ở Miền Đông, trong một trang trại của Đại gia N.K. Trang trại của ông ta hầu như có tất cả, núi non, sông suối, rừng cây, chim thú quý như Công, Hạc, Trĩ sao, Hổ, Gấu, Hươu nai, Kỳ đà, Cá sấu….Ông ta còn xây cả một trạm thủy điện riêng để tự cung cấp điện cho trang trại. “Oách” như vậy chưa đủ, đại gia N.K còn xuống tận Miền Tây “rinh” nguyên một căn nhà cổ 3 gian cực to hàng trăm năm tuổi về “trồng” tại trang trại để lâu lâu tổ chức cúng giỗ ông bà cho thật trang trọng. Từ khi đại phát tài, đại gia N.K càng tin tưởng vào địa lý phong thủy, ông ta cùng ĐHC xuống Miền Tây cải táng các ngôi mộ của ông bà tổ tiên trong dòng họ, thu thập tất cả mang về trang trại, cho xây một khu lăng thật to, thật hoành tráng để “có ông bà bên cạnh phù hộ con cháu làm ăn phát đạt đời đời”. Đại gia N.K không ngần ngại chi hàng tỉ đồng để làm việc này và sau hơn một năm công việc đã gần như hoàn tất.
Hôm đó ĐHC đang ở trong ngôi nhà cổ 3 gian với những hoa văn được điêu khắc cực kỳ công phu sắc sảo, thiếp bằng vàng thật nên lâu ngày vẫn còn rực rỡ. Ngồi trên bộ “tràng kỷ” xưa còn hơn trái đất, ung dung uống ly nước dừa quê hương mát rượi thì Mã Trường Lạc ở đâu lù lù xuất hiện…
Mã Trường Lạc có cái tên cúng cơm rất đẹp nhưng giới “đào mồ cuốc mả” chỉ gọi y đơn giản là Lạc “mả”. Y dáng người thấp lùn, cái bụng tròn vo, tướng đi lặc lè. Điểm đại quý của y là cái đầu to, trên đó gắn cái mũi y như mũi kỳ lân, mắt rất sâu, hai hàng lông mày mọc rất dài, rất đậm. Lạc “mả” khá có tiếng trong giới buôn đồ cổ, nổi tiếng liều lĩnh, sẵn sàng đào trộm những ngôi mộ cổ nếu biết trong đó có đồ quý. Thành tích cộm nhất của y là dám vào một bảo tàng nổi tiếng cắt phăng cái đầu của một pho tượng quí để mang đi bán cho một thương gia người Thái. Y từng lên tận Sơn La, Lai Châu… qua tận Lào, Miên để tìm trống đồng cổ…. Có nhiều tiền, lại có cái tài ăn nói siêu hạng, y lấy được một cô hoa khôi người Tuyên Quang da trắng, chân dài, cao hơn y cả cái đầu. Sau này vì có xích mích gì đó với giang hồ đất Bắc nên y vọt vào Sài Gòn lấy thêm một cô vợ vừa trẻ, vừa đẹp, vừa nổi tiếng theo đúng típ “ăn 5 sao, ở 5 sao, lấy vợ siêu sao”. Được một thời gian thì tiền bạc hết nhẵn, lại đẻ thêm một đống nợ. Lạc “mả” đánh liều “khua môi múa mỏ” với đại ca T.B để người này đưa tiền cho y xuống đất An Giang tìm “cái cục nho nhỏ nhưng bán được hàng mấy triệu đô”.
Đại ca T.B là dân quận tư, giám đốc cả mấy công ty chuyên về xây dựng và san lấp mặt bằng, có xe ben, xe cuốc đủ cả. Nhưng nghề chính của ông ta là cho vay nặng lãi và đòi nợ mướn…Có trong tay những hợp đồng xây dựng và san lấp cỡ lớn, đại ca T.B mượn ngân hàng được tiền tỉ tỉ. Ông ta dùng tiền đó cho vay nóng và giúp giải ngân cho những công ty đang nợ để lấy hoa hồng. Tiền đẻ ra tiền, chẳng mấy chốc đại ca T.B trở thành đại gia T.B. Nhưng ông ta rất khôn ngoan, không bao giờ kinh doanh vũ trường và cờ bạc, mảnh đất độc quyền của “anh Năm”. Bất hợp pháp trong cái vỏ bọc vô cùng hợp pháp nên đại ca T.B ngày càng trở nên giàu có, đàn em theo về đông như kiến.
Đi lên đi xuống đất An Giang suốt mấy năm, tiêu hết “mấy cân thóc” của đại ca T.B mà chỉ mang về được mấy cục sắt gỉ, Lạc “mả” cảm thấy sắp bị chui xuống mả nên lo sốt vó…..
Lạc “mả” không đi một mình mà y dẫn theo một người, người này còn khá trẻ nhưng hình dung tiều tụy mà thần sắc lại rất u ám. Sau vài câu xã giao thông thường, Lạc “mả” đi ngay vào chuyện chính “nói thật với bác, nhà em xuống An Giang để tìm đồng đen cho đại ca T.B, nhưng chỉ toàn gặp quân lừa đảo với đồng đen giả” – “sao nghe đồn chú tìm được một pho tượng nữ thần đẹp lắm” – Lạc “mả” lật đật nói tiếp “chuyện này thật không dám giấu, tìm mãi không được đồng đen, em gặp một bọn ở Tri Tôn nói là trong lúc đào ao thấy một pho tượng đẹp lắm nên nghĩ là nếu mang pho tượng này về bán thì cũng gỡ gạc được chút đỉnh, có tiền trả cho đại ca T.B” – y ngừng lại, uống một hớp nước, thở phì phò rồi nói tiếp “bọn chúng dẫn em đến nơi, thấy pho tượng còn ngập dưới sình liền kêu một thằng nhảy xuống lấy búa đục một miếng ở bệ của pho tượng mang lên xem thì thấy đúng là mảnh gạch của Phù Nam, liền đưa cho tụi nó 2 cây vàng, móc pho tượng lên. Pho tượng dính sình đen thui, lật đật cho vào bao bố chở đi ngay vì sợ công an xã đến làm khó dễ. Không dè về đến khách sạn, mang ra rửa thì thấy chỉ có cái bệ là tụi nó lấy gạch Phù Nam dán lại, còn pho tượng thì bằng đất nung mới làm. Em tức quá đập bể pho tượng luôn…” ĐHC cười thầm “gian hùng như Lạc “mả” mà còn có lúc bị lừa, đúng là y bị con ma đồng đen nó ám nên mới thành ra như vậy”.
Lạc “mả” nói tiếp: “trong lúc đi lang thang ở Chợ Mới, vô tình gặp được người này, nói chuyện với anh ta thấy câu chuyện cũng có vẻ rất thật nên dẫn về đây xem nhà bác có giúp gì được không”. Xem ra Lạc “mả” cùng đường nên tìm cách lôi ĐHC vào, nếu may thì tìm được đồng đen cho y, còn không thì cũng có cái để nói với đại ca T.B hòng thoát nạn. Người mà Lạc “mả” dẫn tới không phải người Việt mà là một nhà sư người Cao Miên, anh ta khoảng 23 – 24 tuổi, gốc là người Việt nên nói được tiếng Việt lõm bõm. Theo như lời kể thì vào khoảng năm 79, khi bộ đội Việt Nam tiến qua giải phóng Campuchia thoát khỏi bọn diệt chủng PônPốt thì có một số người đi theo sau, thừa khi nước đục thả câu …..Ngôi chùa của anh ta lúc đó chỉ còn có mỗi sư trụ trì cũng đã già lắm rồi. Chùa chỉ là một ngôi chùa nhỏ nên chẳng có cái gì quý cả, chỉ có một pho tượng Phật nhỏ bằng vàng. Sư trụ trì cất giữ rất kỹ nhưng không hiểu vì sao bọn người kia biết được, chúng tìm được pho tượng, bắn chết sư trụ trì, mang pho tượng chạy đi trước khi dân làng và bộ đội Việt nam kịp đến. Pho tượng được mua đi bán lại,…. cuối cùng lọt vào tay bà Chín V, một bà trùm buôn bán vàng ở Châu Đốc. Bà Chín V là người Việt gốc Miên, là một phật tử rất sùng đạo, bà hay qua lại bên Miên nên thấy pho tượng thì nhận ra đây chính là pho tượng bị cướp ở ngôi chùa nhỏ, liền mang qua Miên, cúng dường trả lại cho chùa. Các sư ở chùa nhận lại được pho tượng thì mừng lắm. Sau bao nhiêu năm lưu lạc pho tượng linh thiêng lại trở về nơi đất Phật. Đúng là có Phật Tổ phù hộ. Nào ngờ Hia (Sư huynh) xem kỹ lại thì nói pho tượng tuy là đúng nhưng cái ruột bên trong đã bị mất rồi. Hia không chịu nói đó là cái gì, mà nói cần phải qua Việt Nam để tìm lại vật đó. Hia không biết nói tiếng Việt nên dẫn anh ta theo. Hai nguời nhờ một “Pi-âm”(cảnh sát Miên) dẫn đường qua Việt Nam. Sau đó lên Châu Đốc tìm bà Chín V nhưng bà ta đã đi Trung Quốc, phải mấy tháng nữa mới về. Hia (Sư huynh) nói anh ta tạm ở lại nhà bà Chín V, Hia đi khoảng vài ngày sẽ về, anh ta chờ mãi, chờ mãi….cả mấy tháng trời mà Hia cũng không về. Anh ta quyết định ra đi tìm Hia (Sư huynh), lang thang khắp nơi, hết vùng Châu Đốc,Tịnh Biên, Tri Tôn, Bảy núi….rồi tới Chợ Mới, Phú Tân, Tân Châu, Bác Đai,…. qua tận Hồng Ngự, Sa Đéc .v.v….cả hơn hai năm nay mà cũng chẳng tìm thấy Hia đâu, muốn trình báo công an Việt Nam thì lại sợ không ai tin, sẽ bị trục xuất về nước vì lúc qua hai người đi theo đường của những người đi buôn nên chẳng có giấy tờ gì. Lạc “mả” nói “nhà sư này kể rằng Hia của anh ta võ nghệ, pháp thuật rất cao, tại sao lại biến mất như vậy mà không nhắn nhủ gì lại ? Anh ta nhớ lúc còn nhỏ, thấy pho tượng có oai lực phi thường, những người bị trúng phải tà ma, bùa ngải mê man gì thì chỉ cần đến gần pho tượng là hết liền. Pho tượng để trong chùa thì không bao giờ có ma quỷ, âm hồn, chuột bọ, rắn rít dám bén mảng tới. Nhiều tay tà sư bùa ngải cao thâm thấy pho tượng thì rất sợ hãi, cao bay xa chạy.
Lạc “mả” nghi ngờ cái “cục nhưn” của pho tượng chính là đồng đen nên mới dẫn nhà sư theo. Y nói “Theo nhà em biết thì đồng đen khắc tà rất mạnh nên người xưa mới cho vào bên trong ruột tượng Phật, người nào bị trúng phải tà khí, bùa ngải, ma nhập v.v…chỉ cần đứng cạnh là hết liền chứ chưa cần phải cúng kiếng gì cả - đồng đen cứng vô cùng, lửa đến gần nó thì dạt ra, dùng búa tạ đập nó cũng không để lại dấu vết, nó chỉ to bằng đầu ngón tay cái nhưng nặng đến hàng mấy ký lô. Người xưa cho vào trong ruột tượng, pho tượng nhiều khi lại sơn đen nên nhiều người không biết nói là tượng đồng đen chứ thực ra chỉ có viên đồng đen nhỏ bên trong ruột thôi, nó cứng phi thường như vậy nên không thể khắc, đúc gì được”. Lạc “mả” kết luận nếu câu chuyện của nhà sư là thật thì có thể truy theo tung tích những kẻ cướp tượng ngày xưa biết đâu có thể tìm ra nó.

ĐHC không mặn mà gì cái chuyện đi tìm đồng đen ở An Giang của Lạc “mả”, chuyện này thật quá nguy hiểm. Vùng đất này rất nhiều pháp sư bùa ngải người Việt hoặc người Miên thuộc hàng cao thủ, lỡ gây thù chuốc oán với họ thì kể như tàn đời. Còn giáo phái Hòa Hảo có những vùng thuộc lãnh địa riêng của họ, người ngoài bất khả xâm phạm…. Các băng buôn lậu hàng hóa, vàng, vũ khí, ma túy đang hoành hành ở An Giang. Do đó công an hình sự và bộ đội biên phòng cũng càn quét rất rát, đi xuống vào thời điểm này e rằng “ An Giang đi dễ khó về”.
Tuy nhiên một sự việc bất ngờ ngoài ý muốn đã làm thay đổi mọi sự. Thấy nhà sư người Miên thần sắc rất u ám nên ĐHC khuyên anh ở đây nghỉ ngơi một thời gian. Dẫn anh ta đi xem trang trại, anh tỏ ra rất thích thú nhưng không nói gì nhiều. Được khoảng ba ngày thì chiều hôm đó, sau khi tắm xong, nhà sư lên tấm phản nằm rồi anh ta không bao giờ tỉnh dậy nữa. Cái chết đột tử của nhà sư người Miên đúng là một tai họa, anh ta chẳng có giấy tờ gì trong người, chỉ biết anh ta tên là Chau-Bona-Rutsa ….Ngôi chùa anh ta ở thuộc tỉnh Tà-keo. Đồ đạc của anh để lại cũng chỉ mấy bộ đồ cũ, bình bát và một cái xà-rông. May mà Đại gia N.K “tiền nhiều như nước trong nguồn chảy ra” lo liệu nên sau hơn một tháng mọi việc cũng êm xuôi, tạm thời chôn nhà sư trong trang trại, bao giờ tìm được ngôi chùa sẽ cải táng sau. 
Cái chết kỳ bí của nhà sư người Miên cần phải để tâm suy nghĩ, lúc chết miệng anh ta hơi rỉ nước đen, lòng bàn tay, bàn chân có ánh xanh xanh…..Khi ĐHC nói với Lạc “mả” rằng nhà sư bị trúng phải ngải độc mà chết thì thấy Lạc “mả” “mặt xanh nhớt như tàu lá chuối”, rõ ràng y có chuyện còn giấu, quan hệ của y và nhà sư không hẳn giản đơn như vậy. Nhưng nhà sư chết rồi, anh ta không thể nói ra được nữa. Bị trúng ngải độc thường là phải chết liền, nhà sư này còn sống được thêm cả năm mười ngày nữa chứng tỏ kẻ ra tay pháp thuật phải rất cao cường, đã đạt đến trình độ muốn người ta chết lúc nào là chết lúc đó. Phen này Lạc “mả” cõng rắn về nhà, không đi với y về An Giang thì cũng không được.

Chiều hôm đó, sau khi uống tuần rượu tạm biệt Đại gia N.K, ĐHC và Lạc “mả” lên đường. Đại gia N.K rất nhiệt tình, cho tài xế lấy “con” Camry đời mới đưa ĐHC và Lạc “mả” xuống An Giang. Trên đường đi, xe ghé ngang qua Sài Gòn hoa lệ, đường phố thật đông đúc và náo nhiệt, đến nhà hàng Bát Đạt tại Chợ Lớn vào khoảng 8h tối, ăn món “Súp bát bửu” để phục hồi khí lực. Từ khi nghe lý do cái chết của nhà sư, thần sắc Lạc “mả” xem ra “xuống màu” trông thấy. Y đi đứng nói năng không còn tự tin như trước, hai con mắt lúc nào cũng dáo dác, ngó trước ngó sau. Ngồi ăn tối mà Lạc “mả” cứ suy nghĩ đâu đâu, không còn họat bát như trước.
Đến bắc Vàm Cống thì đã hơn 2h sáng. Trên chuyến phà chỉ có xe của ĐHC và một vài người buôn gánh bán bưng nữa. Đêm trên dòng sông Hậu thật thanh bình, phẳng lặng. Làn gió thổi nhẹ nhàng, mát rượi, sóng nước lăn tăn gợi nhớ về những ngày quá khứ……
Ở thế kỷ trước, An Giang có một nhân vật rất nổi tiếng ở vùng núi Cấm, đó là ông “Bảy Hổ”. Bảy Hổ là một pháp sư nổi tiếng “dao chém không đứt, đạn bắn không thủng, đi nhanh như chớp giật”. Lúc nhỏ anh ta chỉ là một thanh niên bình thường, nhưng rất đam mê võ thuật. Anh Bảy qua bên Miên tầm sư học đạo, sau vài năm đã trở thành cao thủ. Võ Miên nhìn chung cũng như tất cả các môn võ thuật khác, có đòn tay, đòn chân, đòn công, đòn thủ……Nhưng cái đặc biệt của võ Miên là cú đá bằng ống quyển. Dùng ống quyển có thể đá tan bia vỡ đá, gãy bứt ngang thân cây chuối lớn. Cao thủ võ Miên đá gãy xương sườn đối thủ là chuyện bình thường. Nếu dùng tay mà đỡ cú đá “ống quyển” thì gãy tay như bỡn. Học võ Miên xong, anh Bảy còn qua Thái lan học thêm võ Thái. Võ Thái Lan tương tự võ Miên nhưng chú trọng đánh cận chiến và cú đá đầu gối. Cú lên gối mạnh đến mức có thể làm chết cả một con trâu. Cao thủ võ Thái khi đánh thường “nhập nội”, dùng tay khóa đòn đối thủ, sau đó lên gối, chấn vào chớn thủy làm đối thủ vỡ tim, ná thở. Còn nếu bạt ngang vào be sườn sẽ làm giập gan, vỡ lách, gãy xương sườn. Lên gối trúng hạ bộ thì đối phương chết là cái chắc. Học xong võ Thái, anh Bảy còn qua Miến Điện,….tuy gần Miên, Thái nhưng võ Miến Điện lại khác hẳn, nhiều chỗ dị biệt hơn nhiều. Võ Miến chú trọng dùng đòn tay, cạnh bàn tay, mũi bàn tay. Có thể dùng mũi bàn tay đâm thủng thân cây cây chuối lớn. Lúc đánh thì xòe bàn tay như cánh quạt vậy. Lối đánh của võ Miến rất nhẹ nhàng, không ào ạt, bão táp nhưng độc hiểm vô cùng.
Sau khi gồm thâu tuyệt học, anh Bảy trở về đất Việt. Những tưởng sau bao nhiêu năm luyện tập sẽ trở thành cao thủ vô địch, nào ngờ trúng phải độc thủ của một pháp sư, biến thành dở điên dở dại….chỉ còn chờ chết. May được thầy Kheng-sivan thương tình cứu chữa mới sống lại. Anh Bảy theo thầy Kheng-sivan học nghề thuốc chữa bệnh, bùa chú, phép thuật hơn chín năm thì thành tài. Trong lúc học, cô con gái của thầy Kheng thấy anh Bảy đẹp trai, chịu thương chịu khó thì thầm thương trộm nhớ…..
Vùng Bảy núi lúc bấy giờ còn hoang sơ lắm, các cao nhân về đó quy ẩn rất nhiều. Bỏ biết bao nhiêu năm tầm sư học nghệ như vậy mà xem ra anh Bảy cũng còn quá nhiều đối thủ. Đúng là núi cao thì có núi cao hơn. Tham vọng của anh Bảy là phải vô địch thiên hạ….miễn là bằng bất cứ giá nào. Cuối cùng anh nghĩ phải luyện bằng được bùa “Thiên Linh, Thiên Nhãn” thì mới mong đánh bại được tất cả cao thủ trong thiên hạ. Bùa “Thiên Linh, Thiên Nhãn” chính là tầm tối cao của Thiên Linh Cái. Một thứ bùa cực độc, cực ác, vì thế thầy Kheng-sivan đâu chịu dạy cho đệ tử. Anh Bảy đành phải giở đến chiêu mà thiên hạ thường vẫn làm nhưng vô cùng đắc dụng….đó là cô con gái rượu của thầy Kheng….
Sau khi chôm được y bát, anh Bảy trốn về núi Côtô …Cách luyện “Thiên Linh, Thiên Nhãn” vô cùng tàn độc. Phải dùng 02 cái bào thai một nam một nữ đúng 79 ngày tuổi – lúc đó bào thai vừa tượng hình giới tính – mà phải lấy bằng cách mổ bụng người đàn bà khi họ còn sống thì cái uất khí của họ mới nhập vào bào thai làm cho bào thai trở nên tàn độc vô cùng. Sau đó phải luyện trong bảy năm, mỗi năm dùng máu của đồng nam, đồng nữ tắm cho nó để nó có thêm “linh khí”. Đến năm thứ bảy thì hai cái bào thai khô quắt lại, nhỏ chỉ bằng hai lóng tay, luôn ở trong tư thế ôm nhau. Lúc đó phải làm lễ cưới cho nó thì nó mới chịu theo phò. Anh Bảy luyện thêm một sợi Càtha bằng vàng nặng đúng 10 lượng 9 phân để đeo cặp bùa “Thiên Linh, Thiên Nhãn” ở ngực. Có cặp bùa này thì đao thương bất nhập, đạn bắn không thủng, ra tay nhanh như chớp giật không ai có thể đỡ nổi. “Thiên Linh, Thiên Nhãn” còn có thể báo trước được mọi tai họa, tiêu diệt hết các lọai phù chú, bùa ngải khác. Sau khi luyện thành công “Thiên Linh, Thiên Nhãn”, việc đầu tiên của anh Bảy là tìm đến thầy Kheng-sivan và ra tay giết hại, độc chiếm vùng núi Cấm.
Anh Bảy trở thành Bảy Hổ từ đó, là con hổ dữ của vùng Bảy núi. Cặp “Thiên Linh, Thiên Nhãn” ám linh hồn của Bảy Hổ, làm cho y càng ngày càng trở nên hung dữ tàn bạo hơn bao giờ hết. Trở thành một tên trùm cướp hùng cứ ở vùng núi Cấm. Nhà nào giàu có, ghe chài nào đi qua đều phải nộp lệ phí cho Ông Bảy Hổ. Thấy con gái nào đẹp, vừa mắt là Bảy Hổ bắt về cưỡng hiếp. Cái lối bắt gái của Bảy Hổ rất độc, y chỉ cần cho người xuống nhà cô gái mà y chấm, nói với cha mẹ hoặc chồng cô ta một tiếng thì tối hôm đó gia đình phải mang cô gái đến nộp, trái ý là Bảy Hổ giết sạch không tha. Nhiều cao tăng, pháp sư muốn trừ diệt Bảy Hổ, nhưng chưa đến nơi thì y đã biết rồi. Bảy Hổ giết họ rồi chặt đầu, đóng cọc để trong hang đá tu luyện bùa phép. Không còn ai có thể là đối thủ của Bảy Hổ được nữa.
Lúc bấy giờ đã bước sang thời người Mỹ đổ bộ vào Miền Nam, lúc đó Thiếu tá “Nam” là tư lệnh lực Lượng QĐVNCH cả một vùng Tri Tôn, Tịnh Biên, Chợ Mới…..Nghe rất nhiều chuyện về Tướng cướp Bảy Hổ, Thiếu tá “Nam” muốn dùng sức mạnh vũ khí của người Mỹ để tiêu diệt Bảy Hổ. Cuối cùng thì Bảy Hổ cũng lọt vào ổ phục kích. Lính VNCH đầu đội mũ sắt, mình mặc áo giáp, tay cầm súng Cacbin hỏa lực kinh người. Hàng trăm lọat đạn chĩa vào người Bảy Hổ bắn mà chẳng ăn thua gì. Bảy Hổ phóng băng băng như chỗ không người, giết lính của Thiếu tá “Nam” như ngả rạ…. Lính VNCH cuối cùng phải rút lui trong thảm bại.
Quân du kích của MTDTGPMNVN lúc bấy giờ họat động rất mạnh, nên Thiếu tá “Nam” tạm dẹp ý định tiêu diệt Bảy Hổ, mà quay ra đối phó với VC. Bỗng một hôm đang ngồi trong tư dinh thì cánh cửa mở toang, Bảy Hổ từ ngoài đi vào, uy phong lừng lững……
Bảy Hổ bước vào, nhìn Thiếu tá “Nam” cười gằn gặn, y nói “Vĩnh Nam, hôm nay tao cho mày biết thế nào là sức mạnh của Bảy Hổ”. Nói xong, Bảy Hổ móc trong người ra một quả lựu đạn mini, đi ra ngoài sân “ nếu mày có bản lãnh thì cưa đôi với tao trái lựu đạn này”. Thiếu tá “Nam” như chết đứng, còn binh lính cũng bao vây xung quanh, súng đạn sẵn sàng nhưng ruột thì run như cầy sấy. Bảy Hổ giật chốt trái lựu đạn, đám lính hoảng vía nằm rạp hết xuống. Một tiếng nổ đinh tai nhức óc, qua cơn khói bụi mù mịt, mọi người thấy Bảy Hổ vẫn đứng sừng sững, cười ha hả…. Sau chuyện này, danh tiếng của Bảy Hổ trở nên như huyền thọai, đâu đâu cũng khiếp sợ và thán phục. Còn Thiếu tá “Nam” thì nhục nhã ê chề. Nhưng ông ta cũng chưa chịu thua, âm thầm vạch kế họach để đối phó với Bảy Hổ.
Sau bao cuộc tìm kiếm, cuối cùng Thiếu tá “Nam” cũng mời được một Đạo sĩ tu mấy chục năm trên núi Thất sơn xuống để trừ Bảy Hổ. Đạo sĩ là người Hán, vì bất đồng với nhà Thanh nên mới bỏ qua Việt Nam. Ông ta tu theo phái Côn Luân, lúc nhỏ luyện “Đồng tử công” nên thân thể cứng như sắt thép, đao thương bất nhập. Lại có thể tùy ý “xúc cốt” thu nhỏ người lại theo ý muốn. Sau này đạo sĩ luyện thành “Tiên thiên hỗn nguyên khí công” nên có thể ngưng tụ hơi thở, tạo thành sức mạnh phá tan tường đồng vách sắt….Đạo sĩ đồng ý xuất sơn tiêu diệt Bảy Hổ để trừ hại cho dân lành. Cuộc chiến của hai người đúng là trời long đất lở, cát bay đá chạy, suốt từ buổi sáng đến đêm khuya cũng chưa dứt. Sáng hôm sau trời quang mây tạnh, Thiếu tá “Nam” cho người lên núi thì thấy xác đạo sĩ mềm như bột nhão, cái đầu thì đã bị Bảy Hổ cắt mang đi rồi. Sau chuyện này, Thiếu tá “Nam” không bao giờ còn có ý tiêu diệt Bảy Hổ nữa mà để mặc y tung hoành ngang dọc. Không việc gì mà Bảy Hổ không dám làm, không tội ác nào Bảy Hổ không dám nhúng.
Một hôm khi đang ngồi bên bàn làm việc, bỗng có tên lính vào đưa cho Thiếu tá “Nam” một cái bọc nhỏ. Tên lính nói “có một nhà sư gửi cái này cho thiếu tá”. Thiếu tá “Nam” mở ra xem thì thấy đó là một pho tượng la-hán nhỏ, bằng đất nung bán đầy ngoài chợ. Tên lính nói tiếp “nhà sư đó nói là pho tượng này có thể giết được Bảy Hổ”. Nhìn pho tượng, Thiếu tá “Nam” bất giác bật cười ha hả - Súng đạn Huê kỳ hùng mạnh như vậy, tài nghệ Đạo sĩ phi thường như vậy mà còn không giết được Bảy Hổ, huống hồ là cái pho tượng tầm thường này - Thiếu tá “Nam” tiện tay để luôn pho tượng bên bàn làm việc, mọi việc rồi cũng quên bẵng đi, không ai còn nhắc đến nữa.
Bảy Hổ sau cuộc đại chiến với đạo sĩ phái Côn Luân, mặc dù chiến thắng nhưng cũng bị thương trầm trọng. Bị đạo sĩ đánh mù hết một mắt, Bảy Hổ trở thành Hổ chột càng trở nên ác độc vô cùng. Dưỡng thương phải hơn nửa năm mới lành, Bảy Hổ nghĩ không phải ngẫu nhiên mà đạo sĩ tới tìm mình, cuối cùng y cũng biết là do Thiếu tá “Nam” mời tới thì vô cùng căm tức. Y nghĩ nếu giết thiếu tá “Nam” thì cũng không hả được mối thù mà như vậy thì dễ cho ông ta quá nên Bảy Hổ rình rập chờ cơ hội để ra tay một cách tàn độc nhất.
Cái ngày ấy rồi cũng đến, đó là cái ngày mà con gái Thiếu tá “Nam”trên Sài Gòn xuống thăm cha….
Tuy rất bận nhưng thiếu tá “Nam” cũng dành cả một buổi tối để hai cha con có dịp ngồi tâm sự. Đang nói chuyện thì Bảy Hổ lù lù xuất hiện, hiển nhiên đám lính bảo vệ đã bị đập chết hết rồi. Là một quân nhân nên Thiếu tá “Nam” lúc nào cũng mang theo súng, ông móc khẩu Rulô bắn liền 5 phát, đạn trúng vào người Bảy Hổ chẳng ăn thua gì, y chỉ cần gạt nhẹ một cái là Thiếu tá “Nam” văng tuốt ra xa, đầu đập vào tường choáng váng. Bảy Hổ chụp lấy cô con gái của Thiếu tá “Nam”, xé toạc quần áo. Y muốn hãm hiếp và giết chết cô gái trước mặt thiếu tá để ông ta đau khổ tột cùng. Bất lực trước cảnh tượng đó, Thiếu tá “Nam” ráng sức đưa khẩu Rulô bắn phát đạn cuối cùng, viên đạn trúng vào người Bảy Hổ, bật văng vào vách tường rồi lại dội ra trúng luôn vào pho tượng La-hán để trên bàn, đổi hướng bay xuyên luôn vào con mắt chột của Bảy Hổ, chui tuốt vào trong đầu.
Bảy Hổ ráng phóng được về núi Cấm, trao lại tấm bùa “Thiên Linh, Thiên Nhãn” cho một trong mấy người vợ của y rồi mới chịu chết. Người đàn bà này sau đó trốn qua Miên……
----------------------------------------
ĐHC ngồi trong một cái am nhỏ trên núi Thất sơn, hỏi Thạch Holk “Ông thấy Mười Hổ so với Bảy Hổ thì như thế nào?” - Thạch Holk nói “Mười Hổ có năm điều hơn Bảy Hổ”- “Ông có thể nói cho tôi nghe được không” - “Ông nghe rồi thì nhớ là phải quên đi, có như vậy may ra ông mới dám đứng trước Mười Hổ”
-Thứ nhất : cặp “Thiên Linh, Thiên Nhãn” bây giờ mạnh hơn lúc trước nhiều vì nó được tắm thêm máu của Bảy Hổ.
-Thứ hai : Bảy Hổ là tên thất học, ngu dốt – còn Mười Hổ tốt nghiệp đại học, có bằng bác sĩ do Pháp cấp đàng hoàng. Y nói được 4 thứ tiếng Anh, Pháp,Việt, Miên . Tầm suy nghĩ sâu xa hơn Bảy Hổ nhiều.
-Thứ ba : Bảy Hổ chỉ là tên cướp núi bị chính quyền truy nã. Còn Mười Hổ nay là Giám đốc Công ty XNK nông thủy hải sản, lúa gạo. Giữ chức Chủ tịch hội đồng quản trị, mặc áo Veston, xách cặp táp, đi xe Mercedes, lên xuống Sài Gòn hội họp, ra nước ngoài như đi chợ. Nhiều khi còn lên tivi báo cáo điển hình nữa.
-Thứ tư : Bảy Hổ là kẻ Đại ác, mở miệng ra là nói chuyện tàn ác như giết, cướp, hãm hiếp nên mọi người biết mà tránh xa – Còn Mười Hổ thì ngược lại, mở miệng toàn nói chuyện nhân nghĩa đạo đức. Sau lưng thì giết người nhưng trước mặt thì toàn làm chuyện từ thiện. Thâm chí còn được chính quyền tặng bằng khen nên nhiều người tìm đến kết thân với y.
-Thứ năm : Bảy Hổ kiêu căng, ngạo nghễ đi đâu cũng chỉ hành sự một mình nên rất bất lợi – Còn Mười Hổ đàn em rất nhiều, ngoài cả trăm nhân viên trong công ty, Mười Hổ còn có nhiều đệ tử giang hồ sẵn sàng vì y liều chết.
ĐHC hỏi “Mười Hổ có phải là con của Bảy Hổ không ?” – Thạch Holk cười nói “việc này chỉ có mẹ của y mới biết được chính xác. Nhưng Mười Hổ giống Bảy Hổ ở sự tàn bạo, độc ác, hơn Bảy Hổ ở chỗ nham hiểm, thâm độc, vì thế nhân gian mới có câu “Mười Hổ độc hơn rắn hổ” là như vậy.

Trời bắt đầu chuyển về chiều, những đàn két về tổ bắt đầu kêu vang rừng núi. ĐHC nhìn ra xa xa, một cảnh trời mây sông núi thật là tuyệt đẹp. Ôi chao, ước gì rũ bỏ hết mọi bụi trần, được bình yên mà tu tâm trên núi như ông Thạch Holk này…..

Đại Hồng Cát

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngọc Hoàng Thượng đế

Chuyện đạo

Dịch nghĩa bài vị Thần tài