Linh Phù Công Chúa
Câu chuyện đầu tiên mà ĐHC xin kể cho quý vị nghe là chuyến đi xuống Cần Giờ cách đây khoảng hơn 18 năm.
Nhìn chung Cần Giờ không phải là một vùng đất đơn giản, có thể nói :
“Đất Cần Giờ tưởng hiền nhưng dữ
Người Cần Giờ tưởng dữ nhưng hiền”
Tuy là đất mới bồi đắp nhưng quá trình hình thành của nó có lẽ đã được hàng mấy ngàn năm rồi., nơi đây có ẩn chứa rất nhiều bí mật mà hầu như chưa được mấy ai khám phá.
Nhóm người bao gồm ĐHC và NGƯỜI BẠN trong chuyến đi này chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Đồ vật bao gồm các dụng cụ đo đạc, quan trắc, dụng cụ đào, thức ăn khô, quần áo và chiếc honda cup78, lên đường vào khỏang 5h sáng. Đường đi Cần Giờ thời điểm này còn rất xấu, lầy lội, những cây đước mới vừa trồng còn rất nhỏ, qua phà Bình Khánh, đến nơi cảm thấy là rất mệt mỏi.
Địa điểm mà ĐHC lựa chọn trong lần này là xã A, lúc đó cả xã chỉ khỏang hơn 200 nóc nhà lá nghèo xơ xác. Tay trưởng CA xã xem ra khá dễ chịu khi có khách xuống thăm, đặc biệt là sau chầu nhậu chào sân tại cái quán duy nhất trong xóm. Anh ta còn niềm nở mời ĐHC trọ tại nhà anh ta vì “ vừa an toàn, vừa rộng rãi”.
Sau những “thủ tục đầu tiên” chộn rộn, ĐHC được chủ quán dẫn đến nhà một người được xem là có máu mặt nhất xóm. Căn nhà lá nằm gần cuối làng, ven bờ biển. Sừng sững trước cửa nhà là một người đàn ông vô cùng lực lưỡng, cao trên mét tám. Ngực anh ta to như tấm phản, trên đó có xăm đủ 5 ông phật cực kỳ tinh xảo ẩn hiện trong các đám mây. Hai tay là hai con rồng uốn lượn mà nét đẹp của nó trong các quý vị có ai từng được thấy hình xăm rồng của các chiến binh Lôi Hổ ngày xưa cũng còn phải chào thua….Nhìn thấy là đã ớn lạnh, quả thực phen này ĐHC đã chạm phải cao thủ chơi bùa 5 ông đích thực…! Thế nhưng, người đàn ông lực lưỡng còn gọi là “anh Năm” xem ra chẳng là cái đinh gì khi đứng cạnh “anh Ba”. “anh Ba” chồm chỗm ngồi trên tấm ván ngựa, to như một quả núi, cái áo hoa hòe mặc trên người anh Ba đích thực là cái áo của người Miên. Nhìn xuống tấm ván ngựa, ĐHC mới hết hồn….tấm ván đen trùi trũi, óng ánh sắc đỏ, dày cỡ gần hai tấc, bề ngang phải tới một mét rưỡi, dài ước chừng hơn ba mét. Hai tấm ván xếp cạnh nhau chiếm muốn hết cả gian nhà, phía xa xa là cái tủ thờ đen sì (bằng gỗ mun là cái chắc) hoa văn khảm xà cừ 7 màu lấp lánh…chỉ với 2 món đồ gia bảo này thôi , ở cái xóm nghèo khổ này hiển nhiên vị trí Đại ca của “anh Ba” đã được khẳng định.
- Chú em có cần gì cứ nói với anh, công việc gì đó của chú cần bao nhiêu người làm? Cứ từ từ rồi tính…còn hôm nay chú và mấy người bạn uống với anh vài ly…..có thằng đệ của anh (chỉ anh Năm) mai cho nó theo giúp các chú.
Sau chầu rượu với con gà luộc, ĐHC như mơ như tỉnh, anh Ba kêu một thanh niên khá gày gò lên giới thiệu :
- Thằng nhỏ này là con anh, 17 tuổi, anh mới vừa cưới con vợ thứ ba cho nó….con Gái đâu rồi, ra đây biểu coi,…con nhỏ này mới vừa 16 tuổi, siêng năng , chịu khó nên anh cưới nó về để nhà có thêm người làm…..
ĐHC thấy cô bé này cũng xinh ra phết, hai mắt đen lay láy, mới 16 tuổi đầu đã đi làm vợ người ta nhưng vẫn không giấu được nét ngây thơ của một cô bé, nhìn xa xa còn thấy lấp ló đằng sau vài người đàn bà nữa, chắc đều là vợ của cậu con “anh Ba”. Xem ra “anh Ba” quả là một ông trùm đích thực.
Nãy giờ ĐHC quên mô tả nhân diện của “anh Ba”. Đó là gương mặt của một người có cân nặng khoảng 150 kg, đỏ như con gà chọi, gắn trên nó là hai con mắt hùm hụp, cái miệng mỏng quẹt với hai mép trễ……tóm lại đó là cái mặt có thể khiến người đối diện phải khiếp vía. Xem ra chuyến đi này của ĐHC không phải là dễ dàng rồi.
Sáng hôm sau, sau khi mướn chiếc ghe của “anh Ba”, cùng với khoảng 6 người bao gồm “anh Năm”,…Tư râu, Ba Đen và 3 người nữa, ĐHC cùng Người Bạn bắt đầu lên đường.
Vùng đất Cần Giờ có rất nhiều gò đất cao nổi trên sông mà người ta gọi là Giồng, ví như Giồng Đỏ, Giồng Am, Giồng cá Trăng ông Hàn, Giồng cá Vồ……có khỏang vài chục cái giồng như vậy. Vị trí đầu tiên mà ĐHC cùng Người Bạn lựa chọn tạm đặt tên là Giồng A.
Phụ trách chèo ghe là “anh Năm” và Tư Râu, “anh Năm” chèo lái còn Tư Râu chèo mũi. Tư Râu dáng người tầm thước, có bộ râu quai nón nom như cao bồi miền Viễn Tây, mũi y rất cao, còn cặp mắt sắc lạnh nom khá đáng sợ. Vợ con Tư Râu đi vượt biên đã chết cả ngoài biển, một mình y bơi được vào bờ, hiện giờ y về đầu quân với “anh Ba”. Còn Ba Đen thì đúng như tên gọi của y, đen trùi trụi. Người Cần Giờ hầu như ai cũng đen, nhưng Ba Đen xem ra là đen hơn cả…nhìn y không khác gì hòn than là mấy. Ba Đen người nhỏ con nhưng rất rắn chắc, vợ y đã chết, để lại y hai đứa con một trai một gái. Hiện giờ y cũng là đệ tử của “anh Ba”. Còn 3 người còn lại chỉ là dân chài trong xóm, xem ra không có gì đáng kể.
Anh Năm và Tư Râu chèo rất đều tay, từ xóm ra đến nơi ước tính khỏang trên 15 cây số, quanh quẹo qua nhiều khúc sông, có lúc đi xuyên qua rừng đước. Trên đường đi Ba Đen thao thao kể chuyện, nghề chính của y là đánh cá, nhưng Cần Giờ bây giờ ít cá và bão nhiều…..những lúc đói kém y thường xuyên chèo ghe đi chặt trộm đước hoặc câu trộm tôm, “tiền kiếm được nhiều hơn đi biển”!.
Đến nơi thì đã khoảng hơn 9h, giồng A là một cái giồng còn bỏ hoang, cây cối thưa thớt nên khá nắng. ĐHC cho căng lều sau đó bắt đầu chuẩn bị.
Để tìm báu vật dưới lòng đất không phải chuyện dễ. Đầu tiên và quan trọng nhất là phải xem thế đất và phong thủy. Phải xác định được thế đất và phong thủy là có báu vật hay không sau đó mới tính đến những chuyện khác. Cần dùng 2 cái la-bàn để xác định phương hướng và 3 cái ni-vô để xác định cao độ. Mắt người nhìn nhiều khi không chính xác, phân định độ cao mà lầm lẫn nhiều khi dẫn đến những sai lầm mà hậu quả của nó là tiêu tốn cả hàng chục triệu đồng như bỡn. Còn một điều nữa là nhiều khi chỗ đất mà ta tưởng là cao thực ra lại là chỗ đất mà người sau này mới đắp, còn cái chỗ trũng thấp nhiều khi trước kia lại chính là nơi cao nhất… Các nhà khảo cổ khi đào thường nghiên cứu địa tầng sau đó phân đất thành từng ô vuông nhỏ, đánh số và triển khai đào từ từ. Công việc của họ đòi hỏi nhiều nhân lực và tiền bạc, thời gian cũng phải rất lâu. Việc truy tìm vật báu không được phép đào lâu như vậy, ngòai việc đo đạc, đánh dấu, định phương hướng, linh cảm và trực giác là quan trọng nhất… đó là cái khả năng nhìn thấy được cái cần nhìn thấy trong lòng đất. Quý vị tưởng tượng, cả một vùng đất mênh mông mà đào bới lung tung thì đến tiền tỉ cũng không đủ chứ đừng nói mà tay không trở về thì có mà đi ăn mày sớm. Ở đây ĐHC xin không nói rõ phương cách đào tìm vì nó không thể rao truyền được.
Sau khi định vị chính xác, ĐHC trải một cái mâm đỏ và một ít lễ vật, rượu nếp trắng, đi xung quanh 3 vòng, cầu khấn sau đó đổ rượu ra xung quanh khấn sơn thần, thổ địa. Bắt đầu đóng chiếc cọc đào đầu tiên là vừa vặn đúng ngọ. Để tiết kiệm chi phí, chỉ Tư Râu và 3 người sẽ đào còn “anh Năm” sẽ lo nấu cơm, Ba Đen được giao đi bắt cá để cải thiện thêm. ĐHC dự định sẽ đào trong 3 ngày liên tục, nếu gấp thì sẽ đào đêm luôn.
Trời buổi trưa nóng như lửa đốt, nhưng trong việc đào, nắng càng gắt là càng tốt, ban đầu ĐHC chỉ đào phạm vi nhỏ để lấy địa tầng trước, trong lúc đó Người Bạn sẽ đi vòng quanh giồng để tìm hiểu thế đất và nhặt các mảnh đất đá vụn v.v…Nắm vững địa tầng là việc vô cùng quan trọng của một Ông thầy địa lý, quý vị sẽ thấy rằng nếu gặp một ông thầy địa lý phong thủy mà thao thao bất tuyệt về đủ lọai thế đất, hướng gió, hướng nhà…..này nọ, mà không nắm được địa tầng ngay nơi chân mình đứng, dòng chảy của mạch nước như thế nào, thì có thể nghi ngờ đó là một ông thầy địa lý giả hiệu. Còn việc nhặt các mảnh đất đá vụn nhiều khi vô tình sẽ nói cho ta biết được rất nhiều điều mà nhiều khi chủ quan bỏ sót.
Đào liên tục hơn 4 giờ đồng hồ thì tạm nghỉ, xem ra tình hình không mấy khả quan ở giồng đất này. Nhưng trong ngày đầu tiên ĐHC cũng không đòi hỏi gì nhiều. Cả đoàn cùng ăn cơm trên một tấm bạt, “anh Năm” nấu cơm thật ngon, còn Ba Đen quả là một cao thủ bắt cá. Có mấy tiếng buổi chiều mà y bắt được một đống cá cộng thêm vài con bạch tuộc nho nhỏ. Trong lúc ăn, ĐHC mới quan sát kỹ “anh Năm” . Năm ông Phật được xăm trước ngực “anh Năm” thật kỹ lưỡng và tinh xảo, ông Phật chính giữa nom hao hao giống Phật Tổ, bốn ông ở hai bên có lẽ là Tả Hữu hộ pháp. Phía sau lưng lại là hình của 5 ngôi chùa tháp theo kiểu chùa Miên. Hai con rồng chạy từ bả vai xuống đến gần cổ tay ửng cái màu xanh xanh kỳ lạ. Kiểu xăm này không phải là kiểu xăm của giới giang hồ,….mà có lẽ thuộc về một võ đạo của người Miên. Đặc biệt có những chữ loằng ngoằng nửa chữ Miên, nửa chữ Phạn ở dưới những ngôi chùa….có một vết thẹo dài dưới khủy vai, chắc là một vết chém cực mạnh.
Người Bạn cho ĐHC xem một vài mảnh gốm nhỏ, toàn là gốm Miên, có một vài mảnh gốm Tàu, có thể cách đây trăm năm những thưyền buôn của người Tàu có ghé qua đây. Hình như mọi động thái của ĐHC và Người Bạn đều không qua khỏi cặp mắt trắng dã của Ba Đen.
Nguyên buổi sáng hôm sau không tìm được gì ngoài một vài mảnh vỡ của mấy cái đĩa và một cái bình có hoa văn của Tàu…. ĐHC cho thu lượm tất cả các mảnh gốm, đá sỏi đặc biệt vào khoảng mấy chiếc bao sau đó rút về . Lúc về, thuyền ghé ngang một cái gò gần ngay cửa biển. Cái gò này thể hiện dấu tích của người Sa Hùynh rất rõ. Rất nhiều mảnh gốm vỡ nát có những hoa văn sóng nước đặc trưng của người Sa Hùynh, gốm Sa Hùynh rất đỏ và rất cứng nên có thể tồn tại rất lâu với thời gian mà không bị hề hấn gì.
Trên đường về, đi ngang cửa biển không ngờ gặp hôm sóng lớn, thuyền dập dềnh sát mép nước, ĐHC nhìn ra xung quanh thấy biển nước mênh mông mà lòng ớn lạnh, lại nhìn thấy cái mái chèo của “anh Năm” đưa qua đưa lại càng thêm khiếp vía….Bỗng Ba Đen la lớn “có cái gì trôi kìa”, quả thật xa xa có một khối đen to trôi bập bềnh, thuyền ghé lại. Ba Đen phóng ngay xuống nước, nhưng y lại vọt lên ngay, hốt hỏang nói “con cá gì to quá, bị vướng lưới chết..”
Tư Râu và Ba Đen cùng nhảy xuống một lần nữa, con cá to thật, dài phải hơn 4 mét, nhìn giống cá nược, chắc nó bị vướng lưới chết nên ngư dân hỏang sợ cắt bỏ lưới thả nó trôi lềnh bềnh trên biển. Con cá quá to không thể đưa lên thuyền, phải cột chặt nó vào mạn thuyền và kéo nó theo. Ngư dân Cần Giờ họ thờ cá Voi nên thấy nó rồi không thể bỏ được mà phải mang về chôn và cúng đàng hoàng.
Thuyền về đến xóm, cả xóm đổ ra xem con cá lạ. Con cá to quá phải hơn 10 người mới kéo nó lên bờ được. Khi kéo nó lên bờ để hơn nửa tiếng thì tự nhiên mắt nó ứa ra máu…. dân làng quyết định sẽ chôn nó ngay bờ biển. “anh Ba” là người sẽ chủ trì cúng tế. ĐHC thấy “anh Ba” tuy to lớn dềnh dàng như vậy nhưng đi đứng lại rất nhẹ nhàng, không hề tỏ ra nặng nề gì cả. Buổi cúng tế rất trang trọng, có mâm quả, nhang đèn đầy đủ, “anh Ba” khấn vái sau đó đốt một đạo bùa thả tro xuống biển. Cuối buổi còn cắm 4 chiếc cọc căng bạt làm một mái lều để che mộ cá ông trong 3 ngày.
---------------------------------
Mới hơn 8h mà làng chài đã tối hù như hũ nút, ĐHC và Nghi (tên của trưởng CA xã) đảo bộ đi ra quán. Quán tối om, chỉ có một ngọn đèn cầy leo lét, còn năm bảy ngư dân ngồi nhậu. Nghi bước vào, không khí trong quán đâm ra im ắng lạ. Nghi và ĐHC chọn một cái bàn nhỏ trong góc ngồi. Chủ quán tên Bảy Chìa thấy Nghi đến thì lăng xăng mang mồi và rượu tới.
Bảy Chìa nói “tôi ở xóm chài này đã lâu mà chưa từng thấy con cá nào to như vậy, chú Hai mới ra mà gặp được nó cũng là một điềm lạ”. Nghi chẳng nói gì, y có tính bình thường thì nói nhiều, nhưng uống rượu vào thì lại lầm lỳ ít nói. Sau hơn 3 xị rượu, quán bây giờ vắng tanh, ngư dân đã về hết. Bảy Chìa cũng đã gật gù vì uống suốt từ chiều đến giờ. Nghi chắc cũng đã say, hai con mắt sắc lẻm của y giờ trở nên đỏ ké. ĐHC cũng đã ngà ngà say, sực nhìn vào tuốt phía trong góc quán không hiểu từ lúc nào lại có một người đàn bà ngồi từ bao giờ. Ánh sáng đèn cầy leo lét hắt vào mặt người đàn bà nom cô ta thật ma quái. Nghi cũng đã nhìn thấy cô ta, y chỉ cái ghế kêu cô ta lại ngồi; khi cô ta đến gần, ĐHC cũng giật mình vì cô ta quả là rất đẹp. Người đàn bà tên Nhi, mắt một mí hình như là lai Tàu, có nước da khá trắng so với người miền biển. Nghi có lối hút thuốc rất lạ, y không hút ba số 5 mà hút ba số 7, một lọai thuốc rất nặng và hôi, đầu tiên y nhét thuốc vào mép phải, sau đó dùng lưỡi đẩy qua mép trái, khi điếu thuốc hơi gật trễ xuống thì Nhi bật quẹt xòe một cái rồi châm cho y, xem ra cô nàng tỏ ra khá thân với Nghi. Thêm 3 xị rượu nữa thì ĐHC đâm ra say thật, Nhi bây giờ đã kéo ghế ngồi gần ĐHC. Hơi rượu ngà ngà cộng với mùi tóc thơm phảng phất của người đàn bà làm ĐHC thêm ngây ngất. Câu chuyện càng ngày càng trở nên thân mật, Nhi kể cô ta đúng là lai Tàu thiệt, nhưng cô ta không nói được tiếng Tàu vì ba của cô ta đã bỏ mẹ con cô ta ra đi từ lúc cô ta còn rất nhỏ, chồng cô ta chết đã lâu, một mình nuôi con quả là khó khăn quá, may mà có “anh Ba” giúp đỡ. “em trở thành em nuôi anh Ba từ đó” .
Nghi đã về từ lúc nào, ĐHC ráng ngồi chút nữa với Bảy Chìa và Nhi. Cô ta bắt đầu nói quá nhiều, đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Nhiều khi cô ta còn tò mò hỏi ĐHC xuống đây làm gì?! Trước khi về ĐHC đưa cho cô ta “hai xị”, cô ta đỏ bừng mặt, chồm sát lên hôn và thì thào “ anh ở đây phải cẩn thận đó nha”.
Hôm sau, ĐHC và đoàn tiếp tục lên đường, địa điểm bây giờ tạm gọi là giồng B, cách xã khá xa, hơn 20 km nên phải lên đường sớm. Lần này Ba Đen dắt theo một đứa trẻ giới thiệu là con anh ta, cô bé lên chín mà nom choắt cheo như mới lên bảy. Khi đi ngang qua một cái giồng đất cây cối nhiều Ba Đen cho dừng ghe thả cô bé xuống, “ từ đây đến trưa là con bé vớt được cả rổ chem chép, mang về bán được hơn 5 ngàn bạc” – ĐHC hỏi “thế con bé về bằng cách nào ?” – “ “Nó chỉ cần ra bìa giồng đứng, có thuyền nào đi ngang qua là rước nó về, ở đây mọi người biết nhau cả” – “Thế có sợ con bé chết đưối không” – “Nó lội còn hơn cá nữa làm sao mà chết đuối được”. Cô bé lội nước tài thật, cái bóng dáng nhỏ bé trong chốc lát đã biến mất dưới những bụi đước um tùm….
Giồng B khá rộng lớn, đã có người đến ở nhưng ĐHC cho đào ở phần đất còn bỏ hoang, vì vùng đất này quá cứng nên họ chưa canh tác tới. Đây cũng là điều may, vì chính chỗ đất này mới cơ may có báu vật. Công việc đào vẫn sắp xếp như lần trước nhưng đã hơn 2 ngày rồi mà vẫn chưa có gì……ngày đào, đêm nằm đất ngủ, bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Chiều hôm ấy hố đào đã to và sâu gần hơn 2 mét rồi thì bất ngờ Tư Râu thấy cái gì đó, y hùng hục đào liên tục….
Tất cả tập trung lại chỗ Tư Râu đào sâu xuống thì thấy toàn là xương người. Tư Râu sợ không chịu đào nữa, Ba Đen nhảy xuống đào thay, thêm một lúc nữa thì mang lên được hai bộ xương. ĐHC xem kĩ thì thấy là hai bộ xương mới chôn chừng trăm năm đổ lại, xương còn mới lắm. Một bộ xương đàn ông khá cao và một bộ xương con nít, cái sọ vẫn còn nguyên. Có lẽ một chiếc thuyền nào đó của người xưa khi đi ngang qua đây thì gặp dịch bệnh hay gì đó, có người chết nên mang lên đây chôn….
Đào mãi mà chẳng có gì lại gặp xương người, đành tạm nghỉ, mọi người quây quần quanh nồi cháo cá “anh Năm” nấu ăn cho đỡ mệt. Đêm xuống dần, nhìn ra mặt sông mênh mông phẳng lặng mà cảm thấy nao nao buồn. Trời tối thật nhanh, tất cả chui vào lều ngủ, chỉ đốt một cây đèn cầy thật nhỏ để tránh sự chú ý, đến khuya có khi tắt đi luôn. Gió từ cửa biển thổi về ào ạt, đêm Cần Giờ thật lạnh…tất cả dường như chìm dần vào giấc ngủ. Trong cơn mê chập chờn, ĐHC thấy hai bóng người, một bóng người đứng xa xa to lớn, như là người đàn ông, nom ông ta có vẻ rất buồn. Rồi bỗng có một cô bé chạy tới , tay cô bé nắm chặt lấy vạt áo của ĐHC mà giật rất mạnh, cô bé rất giận dữ, dường như cô cho là các người đến phá không cho cô nghỉ ngơi thì phải. Cô bé giật mãi, giật mãi, đến khi ĐHC giật mình tỉnh dậy thì mặt trời đã gần ló rạng.
Sáng hôm sau, ĐHC bọc hai bộ xương vào vải bạt và cho chôn trở lại. Lấp đất lại như cũ, nấu một nồi cơm trắng, xới 2 chén cơm và tô cá kho, thắp nhang cúng, cầu cho họ được an nghỉ. Một khi họ đã báo mộng như vậy thì không nên cố đào nữa, nếu không có thể sẽ gặp những chuyện chẳng lành. ĐHC trở về mà lòng cảm thấy nặng trĩu, chuyến đi này quả là lành ít, dữ nhiều. Về đến xóm chài, chẳng có gì ngoài hơn chục bao đất đá làm Nghi có vẻ bực bội, “anh Ba” cũng tỏ ra sốt ruột.
Chiều đến, ĐHC thơ thẩn đi ra bờ sông thì thấy một chiếc ghe chài cập vào bờ. Đó là một chiếc ghe buôn hàng, trên ghe có hai người, chắc là hai vợ chồng. Chờ cho họ buôn bán xong, ĐHC liền xuống ghe hỏi chuyện, chủ ghe tên là Phương, bàn tay phải bị cụt ba ngón nên mọi người gọi là “Phương cụt”. Anh ta trạc khoảng trên ba mươi, có nước da nâu nâu, cái mặt vuông vuông, ngăn ngắn còn đôi mắt lại he hé. Ghe chài đi từ Cần Giờ lên Sài Gòn, trước khi đi ghe thường ghé qua xóm để trao đổi hàng. “Nghe nói anh Hai có chở ba cái đồ đất đá nhiều, nếu về Sài Gòn cứ quá giang ghe của em, đi vừa khoẻ vừa có dịp ngắm sông nước, buổi sáng đi thì chiều là tới rồi”. “Phương cụt” còn ở lại vài ngày nữa rồi mới đi tiếp nên ĐHC mời hai vợ chồng anh ta lên quán lai rai, vợ Phương không chịu đi lấy lý do phải ở trông hàng.
“Phương cụt” uống rất mạnh, anh ta rượu vào lời ra, nói chuyện huyên thuyên trời đất. ĐHC hỏi anh ta có biết “anh Ba” không, “Phương cụt” hứng chí kể “Ông ta là thầy bùa Miên đó, em nghe nói hồi xưa ổng theo đòan lái trâu lưu lạc bên Miên từ nhỏ, có lần bị trâu húc chết, chôn được ba ngày thì sống lại. Có một ông thầy bùa người Miên biết được việc này cho là ổng có duyên với cõi âm nên mua ông về, sau nhận ổng làm đệ tử, em có xin được của ổng một tấm phù “buôn bán”, còn đang đeo trên người”. Lúc bây giờ Nhi đến, cô ta còn bận phụ Bảy Chìa bán quán. “Phương cụt” thì thầm nói “ Anh Hai phải coi chừng con nhỏ này, nó có bùa yêu đó, nhiều người đã bị nó móc hết tiền bạc, có khi còn mất mạng”. “Phương cụt” ngồi một lát thì về, mọi người cũng về hết, Nhi lại ngồi, cô ta nói “nghe nói anh gặp ma” – “ai kể cho em nghe ?” – “thì bạn anh chứ ai, lúc nãy em có gặp ảnh ngoài Cần Thạnh, ảnh còn cho em quá giang về đây nữa”. ĐHC mời Nhi uống vài ly, cô ta uống vào là bắt đầu nói “hay là anh nhờ anh Ba làm phép cho, ảnh hay lắm đó”.... Cuộc rượu đến tối mịt mới tàn, ĐHC đưa Nhi về nhà, nhà cô ta nằm ở ngay đầu xóm, trong nhà chỉ có một bà cụ già tóc bạc phơ, chắc là mẹ Nhi, có lẽ Nhi chưa bỏ xứ ra đi chắc cũng là vì bà cụ này. Bà cụ còn thức để chờ Nhi về. ĐHC đưa cho Nhi thêm “hai xị” và nói “hai ba bữa nữa anh có việc nhờ đến em, giúp anh được không ?” Nhi nói “anh tốt với em như vậy thì có việc gì em sẵn sàng thôi”….
Hôm sau, ĐHC quyết định sẽ đi xa hơn nữa. Tư Râu sau chuyện đào trúng xương người đâm ra sợ, xin nghỉ. Hai người dân chài cũng xin nghỉ theo, chỉ còn một người tên Sáng. Như vậy chỉ còn lại năm người là ĐHC , Người Bạn, “anh Năm”, Sáng và Ba Đen. Lần này khởi hành thật sớm, chỉ còn một mình “anh Năm” chèo nên tốc độ đi có phần chậm lại. Hơn 9 giờ, lúc ghe đi vào một con rạch nhỏ, thì nước bắt đầu cạn, không còn đi ghe được nữa. Tất cả đành phải lội sình lên đến ngang thắt lưng mới tiến sâu vào được. Đường đi thật gian nan, lội sình hàng mấy cây số mà chưa tới….
Nơi này nghe đồn đại cứ chiều đến là không còn ai dám bén mảng đến đây nữa. Những lời đồn về ma quỷ là do cánh đi trộm đước về kể, có người còn bị rượt chạy te tua hay thậm chí có người về là bị cấm khẩu, đố còn nói gì được….Khi ĐHC đến nơi thì trời bắt đầu đứng nắng, giữa buổi trưa mà âm khí ở nơi này bốc lên ngùn ngụt, u ám cả một vùng. Xem ra cần phải đào gấp, đến chiều là phải rút đi ngay vì buổi tối ở lại đây là thậm phần nguy hiểm.
Giồng đất này hầu như đã bị đào phá lung tung, ĐHC chọn một nơi còn hoang vu, chưa từng bị đào vì dân ở đây nói xương người nhiều nên họ không dám động tới. Chỗ này âm khí tràn ngập nên phải cúng lễ cẩn thận, sau đó vừa đúng ngọ là bắt đầu cắm cọc đào . Vừa đào xuống khoảng vài tấc thì đã gặp xương người, xương này vừa nhìn thì đã biết cổ xưa lắm rồi…, đào xuống tiếp tục thì thấy có rất nhiều đồ gốm cổ, chính là khu mộ của người Sa Hùynh. Một khu mộ cực lớn, người Sa Hùynh chôn người chết vào những chiếc chum sành to, người chết được xếp lại theo tư thế giống như bào thai nằm trong bụng mẹ vậy. Đào theo hai đường dọc và ngang mỗi bên được chừng hơn năm cái mộ chum như vậy, thì bắt đầu cho khóet sâu vào trong chum. Xương người còn rất đầy đủ, đến một cái chum còn nguyên một cái sọ người, hai hốc mắt trong sọ bỗng nhiên lóe lên ánh đỏ rực….Sáng sợ quá vùng bật dậy bỏ chạy, Người Bạn và “anh Năm” lật đật chạy theo, ra tới bìa giồng mới bắt kịp được Sáng. Y quá sợ rồi nên không dám làm nữa, buộc phải cho Sáng ra một góc ngồi. Ánh sáng mặt trời chiếu vào hốc mắt của sọ người gặp hai viên đá phát quang nên mới rực lên như vậy. Trong lúc mọi người cùng người bạn tập trung vào mộ chum chính giữa tìm mấy viên đá thì ĐHC để ý đến chiếc mộ chum nằm ngoài bìa, nó to hơn bình thường một chút, nắp đậy vẫn còn nguyên….xem ra đây mới đúng là chiếc mộ chum cần tìm. ĐHC cạy nắp ra, dùng một con dao nhỏ khoét từ từ, cho tay vào sâu bên trong lần theo các khúc xương thì gặp một vật lạnh ngắt ; tấm linh phù đeo trên cổ của người Sa Hùynh đây rồi….mấy chục năm nay hầu như chưa ai tìm được. ĐHC lấy ngón tay cái kẹp lấy, che nó trong lòng bàn tay rồi thản nhiên đứng dậy, bỏ gọn vào túi áo mà tim còn đập thình thịch.
Đến xế chiều thì đào được 9 viên ngọc đỏ và 3 cái vòng đeo tay trong cái mộ chum mà ĐHC lấy được tấm linh phù. Bộ xương người trong mộ còn nguyên, rất thanh mảnh, răng, tóc cũng còn đầy đủ, chắc là của một người đàn bà. Có thể là Hoàng Hậu hoặc Công Chúa gì đó vì đồ tùy táng chôn theo toàn là đồ trân quý. Ví như 3 chiếc vòng đeo tay, bề ngang to phải hơn 2 phân, một chiếc màu xanh, có thể là đá cẩm thạch, nặng trìu trịu, hai chiếc còn lại một vàng một đỏ bằng thủy tinh cực đẹp. Những viên ngọc đỏ màu huyết dụ, trong veo, mỗi viên ước chừng đầu ngón tay út. Một số cục đá hình dạng kỳ lạ, hoa văn lộng lẫy, giống như đá mã não hay gân gà gì đó, sáng lấp lánh, chắc là đồ trấn yểm được chôn theo... Sau khi lấp đất chôn lại, cúng tế thêm một lần nữa, thì bắt đầu rút về. Sáng bây giờ trở nên câm lặng, không nói được gì nữa, cặp mắt lờ đờ, anh ta xui xẻo bị trúng tà khí dưới mộ bốc lên nên thành ra như vậy. Đành phải cho Sáng nằm trên thuyền, theo kinh nghiệm chừng vài ngày thì Sáng sẽ khỏi. Trên đường đi Ba Đen cũng đâm ra lầm lỳ, chỉ có “anh Năm” là vẫn ung dung chèo ghe miệt mài. Về đến nơi thì trời cũng vừa sập tối.
Chiều hôm sau “anh Ba” nấu một nồi cháo hào và làm một con gà, kêu Nhi qua mời ĐHC. Trên đường đi, Nhi nói “sáng nay em thấy anh cho chuyển đồ xuống ghe anh Phương, bộ mai anh về sớm?” – Nhi hạ giọng nói nhỏ “du kích xã họ bàn tính lúc anh ra sông là họ sẽ chặn xét ghe đó” – “họ lấy lý do gì để xét” – “họ xét ghe lấy hết đồ quý rồi anh Nghi sẽ đến nói là xét lầm thôi, lúc đó thì huề cả làng” – Thì ra là vậy, thảo nào thấy Nghi rất ung dung, anh ta làm như không biết chuyện gì xảy ra cả. ĐHC hỏi “sao họ lại biết có đồ gì” – Nhi thì thầm “thì Ba Đen chứ ai” –Ba Đen quá cùng quẫn nên làm bất cứ chuyện gì miễn là có tiền.- Nhi nói tiếp “anh Ba biết Ba Đen như vậy nên cũng dùng y xem chừng anh Nghi luôn…em cho anh biết, Phương cụt cũng là đệ tử của anh Ba đó, ảnh sắm ghe, đưa tiền cho anh Phương buôn hàng, chứ cỡ “Phương cụt” thì làm gì có tiền”. Thì ra, nếu ĐHC có thoát khỏi tay Nghi thì cũng khó mà thoát khỏi thiên la địa võng mà “anh Ba” đã giăng sẵn.
Ngồi trên bộ ván ngựa khổng lồ, ngoài ĐHC, còn có một người lạ mặt mà “anh Ba” giới thiệu là “đồng môn huynh đệ”. Người này mắt nhỏ mà râu dài, nhìn bề ngoài cũng biết là thầy pháp. Chỉ nội một mình “anh Ba” thôi đối phó cũng đủ mệt rồi, có thêm người này nữa thì phen này ĐHC chắc là hết đường về. Tới lúc này mới có dịp nhìn kỹ cái bàn thờ của “anh Ba”. Cái bàn thờ đúng là bằng gỗ mun, chạm khắc rất cầu kỳ, tinh xảo, cẩn ốc xà cừ bảy màu lấp lánh. Cái lư hương không chạm rồng phượng như những lư hương bình thường mà lại chạm hình rắn thần có ba đầu. Phía trên là tượng Phật nhưng lại có con mãng xà năm đầu che phủ bên trên, hai bên cũng có tả hữu Hộ pháp….
Trời chập tối, gió từ cửa biển thổi về ào ào, mang theo hơi lạnh và mùi vị mặn mặn. Rượu bắt đầu ngà ngà, ĐHC đi ra sau rửa mặt, đang đứng múc nước dội lên đầu cho tỉnh thì bỗng có một bàn tay nặng trĩu đặt lên vai. Giật mình, ngửng đầu lên thì té ra là “anh Năm”. Anh ta to lớn như vậy mà đến sát bên cạnh mà ĐHC không hề hay biết. Sợ cứng cả người, nhưng ĐHC cũng cố làm ra vẻ bình tĩnh. Bỗng “anh Năm” cúi xuống nói nho nhỏ, trầm trầm “nhớ đừng uống ly rượu cúng của anh Ba ”. Nói xong “anh Năm” lập tức bỏ đi, cái bóng to lớn của anh ta nhanh chóng biến mất vào màn đêm mù mịt.
ĐHC trở vào, sau khi ngồi lên trên tấm ván ngựa kỳ bảo, liền thò tay lấy ra trong túi áo một viên ngọc đỏ, đưa cho “anh Ba” xem. “anh Ba” đưa lên mắt, nhìn sơ một cái là biết đó là viên hồng ngọc thật, giá trị liên thành thì cứ cầm ngắm nghía mãi. ĐHC liền nói “Lần đầu được gặp anh Ba, không có gì hơn xin tặng anh viên đá nhỏ này làm quà”. “Anh Ba” chẳng thèm từ chối, hai mắt híp lại, cố gắng rặn ra một nụ cười trên cái gương mặt to chần vần làm nó trở nên méo mó dễ sợ. “Anh Ba” ra chỗ bàn thờ, lấy xuống một cái bình trắng và nói “đây là bình rượu quý, chỉ dành cúng tổ của anh, đặc biệt hôm nay mời chú em một ly để kết tình anh em đời đời…” Bình rượu vừa mở nắp thì hương thơm tỏa ra ngào ngạt, át cả mùi vị của gió biển. Cái ly đựng rượu cũng thật là đẹp…. ĐHC cầm ly rượu trên tay, nhìn cái màu rượu sánh vàng như mật ong, ngửi cái mùi thơm ngạt ngào mà thầm nghĩ “ Rượu này chắc được luyện bùa chú nhiều năm, ngâm kỳ trân dị bảo, thuốc gì quý lắm nên mới có được mùi thơm vô cùng như vậy….uống ly rượu này vào rồi thì ĐHC chắc sẽ hai tay dâng nốt mấy viên hồng ngọc, vòng ngọc cho “anh Ba”, hoặc cũng trở thành đệ tử của “anh Ba” như Tư Râu , Ba Đen …..!”.
Cầm ly rượu trên tay mãi không lẽ không uống?, cặp mắt của “anh Ba” thì cứ nhìn chòng chọc. Uống một hơi cạn ly rượu, nóng ran cả cổ, rượu ngon thật không thể gì sánh bằng…. không lẽ lại xin thêm uống nữa ?! “anh Ba” lúc bấy giờ trở nên đỏ sặc như con cá lia thia đang sừng vậy, xem ra “anh Ba” vui vẻ vô cùng…
2h sáng thì Nhi đã đưa ĐHC ra được đến Cần Thạnh. Đêm Cần Thạnh im ắng như tờ, chỉ có gió từ biển thổi về rào rạt. ĐHC đưa cho Nhi chiếc vòng cẩm thạch xanh và nói “em giữ thật kỹ, vài tháng nữa hãy bán đi, tiền đủ để nuôi mẹ và con em được vài năm….”. ĐHC lên chiếc cúp 78 gửi nhà người quen, phóng một mạch, mặc cho đường xá lầy lội, mặc cho gió thổi ào ào, 8h sáng đã ung dung ngồi uống ly cà phê tại Hồ Con Rùa. Người Bạn chỉ còn mình không với mớ đất đá thong thả theo ghe của “Phương cụt” đến chiều thì cũng về tới thôi. Nhớ đến “anh Năm”, con người có vẻ bề ngoài nom dữ tợn nhưng tâm can lại hiền lành chất phác. Đến lúc này ly rượu tổ của “anh Ba” mới bắt đầu phát tác. Trời ban ngày đang sáng rực như vậy mà tự nhiên thấy tối đen mù mịt, xung quanh đầy những tiếng ma quỷ thét gào. Toàn thân bỗng nhiên lạnh ngắt mà trán thì đổ mồ hôi giọt giọt. ĐHC lên cơn mê sảng, tay chân bắt đầu co giật, trong cơn mê cố gắng quờ quạng lên ngực, nắm được tấm linh phù 2500 năm tuổi của người Sa Hùynh, tấm linh phù bình thường lạnh ngắt như đá, bây giờ lại trở nên ấm nóng lạ thường……Giữa cái bóng đêm mịt mù đầy ma quỷ bỗng như có chớp sáng, xa xa như hiện lên hình bóng đẹp lộng lẫy của nàng công chúa Sa Hùynh. Cái ánh sáng chói lọi rực rỡ của những linh hồn bất tử tràn ngập cả không gian…/.
Nhận xét
Đăng nhận xét