QUỶ NHẬP TRÀNG – Lâm Thế Nhân


Năm tôi 16 tuổi, khoảng năm 1934, tôi phải dang dở đường học vấn vì sự chồng chéo khai sinh mà một vài phần tử trong ban hội tề ở làng tôi đã vì mối hiềm tỵ với gia đình tôi nên họ gởi thơ nặc danh tố giác đến nhà trường. Tôi bị đuổi học.
 Những ngày trở về với gia đình nho giáo, tôi được người chú gửi tôi cùng với con trai của ông là Tân Dân, nhỏ hơn tôi 2 tuổi, vào Tân Bình, ở Lấp Vò, ở trọ nhà ông đồ Phan Vĩnh Khương để trao dồi thêm Hán học. Xứ Tân Bình từ trước đến nay vốn là nơi được tiếng ma quỷ lộng hành không đợi đến lúc trời đêm ra quấy nhiễu dọa nạt dân cư địa phương mà đến cả ban ngày. Từ khoảng 5,6 giờ chiều là đồng bào ở trong đình không dám cho con em còn nhỏ tuổi bước chân ra khỏi cửa. Tân Dân và tôi vốn được chú tôi luyện tập dần từ thuở bé nên không đến nỗi quá thỏ đế như phần đông các chàng khác. Nhất là tôi với cái tuổi 16, khá bô trai, lại ở học trong nhà ông thầy đồ có 1 cô con gái cùng trang lứa với tôi nên lúc nào tôi cũng tỏ ra là anh hùng trong bảng số dách, không biết sợ ma quỷ là gì. Ái nữ của ông thầy đồ họ Phan tên là Dung. Năm ấy, cô Dung cũng vừa tròn 15 tuổi. Cô có 1 vẻ đẹp thùy mị, kín đáo, hay nói đúng hơn là cô Dung có duyên ngầm với nước da bánh ít, má lún đồng tiền, dáng người dong dỏng cao mà lại bới tóc, thả diều vào thời bấy giờ thì quả là duyên bất hủ. Cô Dung được phụ thân cô cho đi học Tây ở trường sơ đẳng tại chợ Lấp Vò và để cô ở luôn ở nhà một người bà con ở gần chợ. Thỉnh thoảng cô mới về Tân Bình thăm nhà vào ngày Chủ Nhật hoặc ngày lễ. Từ nhà ông thầy đồ phan Vĩnh Khương ra tới chợ Lấp Vò với quảng đường chưa đầy 3 cây số rất có thể cô Dung sáng đi học, chiều về nhà vẫn không khó khăn, mệt nhọc gì lắm. Nhưng sỡ dĩ cô phải ở luôn ngoài chợ Lấp Vò vì như tôi đã nói ở trên là xứ Tân Bình quỷ ma thường tác quái, nhất là ở khúc vắng cây đa sà, cách nhà ông thầy đồ Khương độ hơn 2000 thước. Tại đây, có 1 cây đa rất to lớn nằm cạnh bên đường làng, thân cây lại nghiêng chìa ra bờ sông. Những rễ con từ trên cành đa tua tủa xuống mặt sông như mạng lưới vô trật tự. Nơi gốc đa phía trên bờ, được đồng bào địa phương chất bỏ vào đó những tạng vật và phế vật lỉnh nghỉnh nào là tượng ông địa bể, ông táo gãy đầu, nào là miễng hủ, miễng lu… đối diện ngôi miễu thờ Bà Chúa Xứ.

Ngày chúng tôi tới trọ học, chính ông thầy đồ Khương kêu chúng tôi lạ trước mặt ông mà căn dặn kín đáo:

– Hai đứa ở đây học nghen, phải luôn luôn có mặt tại nhà. Nếu muốn đi đâu, dầu có gần cách mấy cũng phải cho thầy hay, để có xảy ra chuyện gì bất ngờ thầy cũng dễ đi kiếm. Nghe chưa ?

Tôi với Tân Dân chỉ đồng vâng vâng dạ dạ chứ đâu hay biết gì là quỷ quái lộng hành ở xóm này. Mãi đến ba hôm sau, chúng tôi mới được bạn đồng học mách lẽo cho chúng tôi biết mọi việc quái đản rùng rợn đã xảy ra tại vùng này. Anh Phát, anh bạn cùng học Nho, còn nói thêm:

– Trời ơi, ở chỗ vắng cây đa sà này có con quỷ đàn bà đã từng hại mạng nhiều lái buôn qua lại trên sông, ngang khúc đó đó.

Tôi tò mò hỏi:

– Ủa, con quỷ đó nó hại những người lái buôn bằng cách nào ?

Anh Phát tỏ vẻ sợ sệt bảo:

– Cách mấy tháng trước đây nè, có người lái buôn tên là Năm Nghiệp, quê ở Cao Lãnh, tuổi tác ngoài 30, ảnh chở bí rợ tới bán dạo ở xóm Tân Bình này. Khi đi ngang qua khúc vắng cây đa sà vào khoảng trời chạng vạng, bổng nhiên ông Nghiệp lái buôn gặp một thiếu phụ trẻ đẹp ngồi ủ rủ trên bờ cạnh gốc đa kêu khóc và ngỏ lời cầu cứu.

Theo lời anh Phát kể, chúng tôi được đưa ngược trở lại dòng thời gian.

“Chiều hôm đó, ông Nghiệp chèo ghe ghé lại. Khi cặp ghe vào bờ, người thiếu phụ kể lể rằng nàng có chồng nhưng gặp cảnh chồng thô lỗ vũ phu, mãi mê cờ bạc, bỏ phế việc nhà, đi chơi hết sòng này qua sòng khác, hễ thua hết tiền thì về nhà hạch sách, bắt buộc nàng phải đi vay mượn bạc tiền, nếu nàng không đi thì bị chồng đánh đập, hành hạ như con vật. Mới vừa rồi, nàng bị một trận đòn nhừ tử rồi chồng nàng cũng đuổi nàng đi. Nói xong, người thiếu phụ mở mấy nút áo từ cổ xuống ngực, vạch áo ra chỉ cho ông Nghiệp xem mấy vết bầm do chồng nàng đánh lúc nảy. Một bộ ngực lồ lộ trắng phau với mấy vết bầm ửng đỏ hằng lên phía trên đôi nhủ hoa mà nàng thiếu phụ đã cố ý trịch áo ra cho lệch xuống gần quá nửa khiến ông Nghiệp động mối thương tâm mở lời an ủi và tán tỉnh. Thiếu phụ ngỏ ý xin ông Nghiệp cho nàng quá giang để tạm thời lẩn tránh người chồng ác độc ấy một đêm nay kẻo chồng nàng sẽ giết nàng nếu vô tình gặp được. Ông Nghiệp mừng húm bảo người thiếu phụ xuống ghe, chui vô mui rồi lấy đệm căng lên che kín trước sau, đoạn chèo thả sâu vào Tân Bình mới đậu ghe lại nghỉ ngơi đêm hôm đó.

Qua một đêm tâm sự mùi mẫn với người đẹp cây đa sà, ông Nghiệp mệt mỏi và ngủ quên cho đến khi mặt trời mọc lên hơn ba sào mới giựt mình thức dậy. Ông không thấy người đẹp đâu cả. Thoạt tiên, ông Nghiệp ngờ rằng ông đã bị điếm lường gạt ông để lắc túi tiền. Nhưng sau khi xem lại tiền bạc vẫn còn nguyên, ông Nghiệp mới yên tâm nhổ sào cho ghe theo con nước lớn thả trở vào xóm Tân Bình để vừa bán bí rợ vừa hy vọng sẽ gặp lại người thiếu phụ đã cùng trải qua một đêm mộng vu sơn. Khi ông Nghiệp ghé ghe lại đến nhà tôi cho bà con quanh đó xuống ghe lựa bí để mua, bổng ông Nghiệp ôm bụng, mặt mày nhăn nhó mét xanh, rồi ngã lăn ra rên xiết. Ba tôi thấy vậy liền đỡ ông vào mui ghe, cạo gió dùm cho ông Nghiệp và hỏi nguyên nhân căn bịnh. Ông Nghiệp thuật lại việc ông đã gặp người thiếu phụ ở gốc cây đa sà lúc chạng vạng đêm hôm qua. Nghe ông Nghiệp thuật xong, ba tôi lắc đầu thở ra. Trong khi ông Nghiệp toàn thân run bắn lên, đôi mắt trợn trắng dã, miệng ông trào máu tươi lênh láng rồi tắt thở. Nhiều người tìm được lý lịch ông Nghiệp lái buôn qua bằng thuế thu, nên sau khi ba tôi đi báo với Hương chức sở tại họ đến nơi lập di bằng rồi cho tin qua Cao Lãnh. Người nhà của ông đến nơi lãnh xác ông về đồng thời đem chiếc ghe chở bí rợ của ông về Cao Lãnh luôn.”

Tân Dân nghe đến đó xen vào hỏi thêm:

– Theo lời của Phát thì ngoài ông Nghiệp lái buôn bí rợ đó ra còn có ai là nạn nhân của con quỷ cái ở cây đa sà nữa hôn ?

Anh Phát gật đầu đáp:

– Còn nữa đó !

– Ủa, ai vậy anh Phát ?

– Thì cái người các chú bán kẹo đục đó.

– Việc đó xảy ra làm sao ?

Anh Phát dòm chừng quanh lớp học để coi có ai chợt đến không. Nhưng vẫn chưa tơi giờ, ông thầy đồ Phan Vĩnh Khương còn đang ngủ giấc trưa, còn cô Dung ái nữ của ông thì bận việc sau nhà bếp. Anh Phát yên trí, chậm rãi kể tiếp:

– Thì hôm bữa đó, người các chú bán kẹo đục tên là Hia Ui ở ngoài chợ Lách Vò, còn trẻ tuổi thôi à, độ dưới 30. Thường khi Hia Ui đi bán kẹo đục lưu động khắp nơi trong các vùng thôn quê. Ở trên đầu Hia ta đội các xửng bằng thiếc đựng đầy kẹo được đậy nắp cẩn thận, được kê trên cái niền làm bằng rơm bện để giữ cho cái xửng ỏ trên đầu. Hai tay của Hia ta, tay cầm lưỡi đục, tay cầm dùi đục đều bằng sắt mà khua vào nhau phát ra những tiếng keng kẻng để rao hàng. Hia ta cứ đi sớm, rồi chiều về, hết xóm này qua xóm khác. Hôm đó, Hia ta đội xửng kẹo thả vào xóm Tân Bình này để bán. Mãi đến chiều tối, Hia ta mới mang cái xửng không trở về chợ Lách Vò. Nhưng khi đi ngang qua một khúc vắng, tới chỗ cây đa sà, Hia Ui bổng gặp một cô gái bán chuối chưng. Đang lúc “kiến cắn bụng”, đi tới Lách Vò còn 2 cây số ngàn, nên Hia Ui dừng lại chỗ miễu Bà Chúa Sứ kêu cô gái bán chuối chưng lại để vừa “xực” dằn bụng và vừa tán tỉnh người đẹp giữa khúc đường vắng vẻ vào buổi hoàng hôn. Không hiểu Hia ta tán tỉnh như thế nào và người đẹp ở cây đa sà đã tò tí ra sao mà Hia Ui đã si mê đến bỏ ăn bỏ ngủ luôn đến ba hôm sau cuộc gặp gỡ liêu trai ấy rồi bổng dưng phát bịnh, giống y như chứng bịnh của người lái buôn bí rợ học máu ra mà chết.

Tân Dân tỏ vẽ không tin và hỏi:

– Vậy về cái việc người Các Chú bán kẹo đục gặp con quỷ ở cây đa sà, nếu chỉ 2 người tò tí với nhau trong lúc đó thì làm sao mà anh biết được ?

Anh Phát xì một tiếng rồi đáp:

– Xời, tụi bây tưởng là tao nói dóc hả ? Sở dĩ mà tao biết được cái vụ đó là tại vì lúc Hia Ui mắc bịnh có người gần nhà Hia ta bị con quỷ cây đa sà nhập vô, đạp đồng về nói vanh vách cái việc, lại nhằm lúc tôi đi chợ Lách Vò mua đồ nơi một tiệm bán hàng xén kế bên nên tui nghe được. Đồng thời, người nhà của Hia Ui cũng có gạn hỏi Hia ta coi có phải đúng vậy không đặng họ lo rước thầy về cúng kiến với lại ếm đối chứ. Nhưng sau khi Hia Ui kể lại chuyện gặp người đẹp quỷ cái đó thì Hia ta hộc máu chết liền tức khắc. Chính tui chứ ai, tui đến tận nhà Hia Ui nên đã thấy tận mắt cái chết rùng rợn của Hia ta kia mà.

Chỉ được nghe Phát kể chuyện con quỷ cây đa sà mà sau buổi học chiều hôm đó, tôi cũng như Tân Dân cả hai đứa đều bắt đầu cảm thấy ghê rợn, không bao giờ dám léo hánh tới khúc vắng cây đa sà ấy dù là lúc ban ngày. Và cá nhân tôi cũng không còn thích ở học “chi hồi giả giả” nơi nhà ông thầy đồ Khương nữa. Tôi định bụng, hễ có dịp người chú tôi tới Tân Bình viếng ông thầy đồ và thăm 2 đứa tôi là tôi sẽ tìm cách nói với chú tôi để xin được nghỉ học để về nhà chúng tôi ở xóm Bình Thành. Nhưng dịp đó chưa kịp đến với chúng tôi thì tôi với Tân Dân đã phài một phen hồn phi phách tán vì cảnh quỷ nhập tràng xảy ra ngay tại nhà ông đồ Khương mà mãi đến bây giờ kể ra đây tôi vẫn còn rùng mình rợn tóc.

Như đã nói ở đoạn trước, cô Dung, ái nữ của ông đồ Khương đang ở vào lứa tuổi đôi tám dậy thì. Tuy không là sắc nước hương trời song cô cũng thuộc hàng trâm anh khuê các nên đã có nhiều nơi gắm ghé, nhưng chưa một ai được lọt vào cặp mắt xanh của cô con gái thầy đồ cả. Riêng tôi vì đã học đạo thánh hiền, phải trọng lấy 3 ngôi: quân, sư, phụ, có bổn phận phải kính xem thầy cũng như cha, cho nên dù có tà tâm cũng tự mình cảnh giác.

Lúc ấy là dịp lễ, cô Dung nghỉ học về nhà ở Tân Bình. “Mười bảy bẻ gãy sừng trâu”. Câu ngạn ngữ này để chỉ vào cô Dung con gái ông thầy đồ Khương rất tương xứng. Tuy mới 16 tuổi song tướng tá của cô Dung rất bề thế, vừa cao lớn, vừa có 1 nước da ngâm ngâm đen, thoáng trông cô như một nữ lực sĩ. Tuy nhiên, không vì vậy mà cô Dung giảm mất nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam bảo cổ.

Chiều hôm ấy, cô Dung đang ngồi bên cầu ao rửa rổ đậu đủa mà cô vừa mới hái xong để lo bữa cơm chiều, bổng cô Dung kêu chóng mặt, rồi trở vào nhà, vô buồng nằm trong khi tôi với Tân Dân đang ngồi cạnh nhau trong lớp học mà bàn tính công chuyện rút lui khỏi xứ Tân Bình quỷ ma tác quái. Lúc bấy giờ, ông thầy đồ Khương bận đi dự lễ giỗ nơi nhà một vị Hương chức sở tại trong làng. Trong nhà chỉ còn có hai đứa tôi nên khi cô Dung bưng rổ đậu đũa từ ngoài đi vào ngõ cửa nhà bếp, cô cho lớp học chúng tôi hay rằng cô chóng mặt xây xẩm, phải đi nằm nghỉ một chút, nhờ chúng tôi nói lại dùm với người vú già đang đi chia thịt heo ở xóm trong để khi bà về tới bà hay mà lo việc cơm nước thay cô. Độ nửa tiếng đồng hồ sau đó thì người vú già về tới, tiếp theo là ông đồ Khương cũng trở về nhà. Khi được tin ái nữ đã ngộ cảm, ông không mấy quan tâm, vừa lấy áo dài khăn đống ra, vừa hỏi người vú già:

– Con Dung nó chóng mặt nhức đầu mà chị vú đã cho nó uống thuốc gì chưa ?

Người vú già lễ phép đáp:

– Dạ thưa có. Tui có mua thuốc Đầu Thống Tán đằng tiệm cho cổ uống rồi.

Ông đồ Khương thay đồ xong lặng lẽ đi vào buồng ái nữ để thăm bịnh. Bổng có tiếng ông đồ Khương từ trong buồng vọng ra, giọng hốt hoảng:

– Chị vú ơi, chị vú, lên đây mau tui nhờ chút việc nè !

Người vú già từ dưới nhà bếp đi lên. Tôi và Tân Dân cùng bước theo tới bên cửa buồng nghe ngóng. Giọng nói của ông đồ Khương càng hốt hoảng thêm:

– Chị vú, chị sửa soạn xuồng nghe, đem chiếu trải ra mau. Còn hai trò Lâm với Tân Dân hãy lấy dầm, tiếp thầy đem con Dung xuống xuồng, chở nó ra chợ Lách Vò cho thầy lang xem mạch ngay nghen.

Chúng vâng lệnh ông đồ Khương, mỗi người lo phận sự của mình, vừa rút lấy hai cây dầm dưới sàn ra, thì trong buồng giọng ông đồ Khương lay vào con gái:

– Dung, Dung ơi, con ơi, trời ơi, con ơi, tỉnh dậy con ơi ! Trời ơi, tại sao tự nhiên con tôi lại như vầy. Mấy người đâu, mấy người vô đây hết cả cho tôi. Dung ơi, Dung con, đừng bỏ ba con ơi. Dung ơi, Dung ….

Chúng tôi cùng người vú già ùa vào buồng thì đúng vào lúc cô Dung nấc hơi lên, đôi mắt cô trợn ngược lên và từ khóe miệng cô ứa ra hai dòng máu đỏ. Ông đồ Khương lay mạnh hai vai con gái ông gọi to:

– Dung, Dung ơi, con ơi …

Rồi ông buông tay ra, ôm lấy mặt mà khóc rống lên thảm thiết. Tôi thấy lòng nhói đau trước tình phụ tử “tre già phải khóc măng xanh”. Tôi không khóc mà nước mắt tự nhiên rơi tự bao giờ. Tin cô Dung con gái ông đồ Khương chết được loan ra. Những môn đồ cũ của ông cũng như sinh đồ mới lũ lượt kéo đến chia buồn và ở luôn nơi đó để tiếp lo việc ma chay. Ông đồ Khương dặn riêng người vú già, luôn cả tôi với Tân Dân đừng nên tiết lộ về cái chết rùng rợn quái dị của ái nữ ông cho người khác biết, đồng thời ông bảo hãy quàng xác con gái ông lại tới ngày thứ hai sẽ tẩn liệm. Một cổ quan tài được nhắc về kê sẵn bên gian hữu căn nhà với đủ cả các vật dụng cần thiết cho một cuộc tang ma. Trong khi đó, thi hài cô Dung vẫn còn đặt ở trong buồng được phủ kín bằng hai thước vải trắng và đặt lên mặt cô tờ giấy xúc màu trắng đục. Trên đầu giường kê một chiếc bàn hình chữ nhật. Trên bàn có đặt sẵn một chén cơm và một hột gà luộc chín được bóc vỏ đặt trên cơm trong chén. Tuy tôi không bước chân vào buồng quàng xác cô Dung nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn trộm vào khe gáy cửa buồng để trống. Lòng tôi dấy lên một niềm tiếc thương vô hạn trước một thi hài của cô gái xuân xanh.

Màn đêm từ từ buông xuống, trong bóng tối ghê rợn và cùng những tiếng cú rít sau gian nhà, lắng nghe những âm thanh quái đản rồi nhìn vào thi hài phủ kín vải trắng, tôi cảm thấy quanh tôi đâu đâu như cũng có sẵn quỷ ma đe dọa. Tôi định kêu Tân Dân tìm một chỗ vắng vẻ để bàn tính việc thoát ly, bổng có tiếng của ông đồ Khương:

– Chị vú đâu, coi bắt con mèo mun ở nhà nhốt lại nghen, tôi đi rước Chánh Lục Bộ tới lo việc khai tử cho con Dung.

Nói xong, ông đồ Khương bảo hai người học trò cũ của ông lấy dầm, mang chiếu xuống xuồng bơi đưa ông vào phố Ngõ Sạch, Tân Bình.

Nơi nhà ông đồ Khương lúc nãy, ngoài bà vú già ra còn có ông Tín, anh ruột của ông đồ, người học trò mới cùng khóa với Tân Dân và tôi. Trong đó có cả anh Phát. Theo lời dặn của ông đồ Khương, bà vú già đi tìm bắt con mèo mun mà cụ đồ đã nuôi trong nhà từ lâu rồi nhốt nó vào một cái thúng, dằn lên trên thúng một khúc củi tròn. Nghe tiếng con mèo ngao ngao lên vì bị nhốt, anh Phát bảo tôi:

– Nè, anh Lâm, nói nghe nè, anh có biết thầy của tụi mình kêu bà vú nhốt con mèo lại để làm gì hôn ?

Tôi thật thà đáp:

– Trời ơi, đâu có biết đâu à.

Tân Dân hỏi dồn:

– Ủa, mà nhốt mèo lại chi vậy anh Phát ?

Anh Phát rỉ tai chúng tôi, bảo nhỏ:

– Nè, để tránh cái cảnh “quỷ nhập tràng” đó.

Tôi giựt mình, buộc miệng:

– Quỷ nhập tràng ?

Anh Phát nói tiếp:

– Ờ, nói nghe, theo lời ông bà mình kể lại thì một người khi đã chết rồi còn quàng xác, chưa tẩn liệm mà để cho con mèo nhảy ngang qua xác chết một cái thì xác chết đó sẽ bị hồn quỷ nhập vô, làm như là người chết sống lại vậy đó.

Tân Dân hỏi:

– Như vậy thì có hại gì không anh Phát ?

– Trời ơi, hại chứ sao hổng hại. Bởi vì cái xác đó mà sống lại bằng cái hồn con quỷ thì con quỷ đó nguy hiểm lắm, hể nó rờ trúng người nao 1 cái thì người đó chết ngay tức khắc.

Tôi hỏi thêm:

– Như vậy nếu gặp trường hợp quỷ nhập tràng như anh Phát vừa nói thì mình phải làm sao để trị được con quỷ đó ?

Anh Phát trả lời:

– Theo lời ông nội tôi cho biết thì có 2 cách để diệt trừ quỷ nhập tràng. Thứ nhứt là nhờ pháp sư cao tay ấn dùng linh phù đánh đuổi để trục xuất cái hồn quỷ ra khỏi xác, làm cho cái xác của người chết ngã ra chết lại. Thứ hai là tìm cách gạt cho con quỷ nhập tràng ấy ôm nhầm lấy một vật vô tri giác trong lúc nó đi tìm ôm người, bắt người để giết. Khi nó ôm nhầm một gốc cây hay tượng đá thì con quỷ sẽ xuất hồn trả xác cho người chết ngay.

– Ý trời ơi, ghê quá ! Tân Dân vừa buộc miệng, rùng mình, mặt mày tái mét.

Đêm càng lúc càng khuya.

Bà vú già từ nhà bếp đi lên, tay bà xách theo chai dầu lửa châm dầu thêm vào bình đèn đang đặt giữa nhà. Cụ Tín, anh ruột ông đồ Khương, bảo bà vú:

– Nhờ chị vú coi chừng canh xác con Dung, tôi ngủ một giấc nghen. Chờ ba của nó rước Chánh Lục Bộ về tới rồi kêu tôi dậy.

Dứt lời, cụ Tín đi vào buồng của ông đồ Khương nằm ngủ. Bà vú già kêu chúng tôi gồm có 6 đứa, bà bảo:

– Bây giờ trong số 6 cậu hãy đi ngủ trước 4 cậu đi để đến khuya 4 cậu đó sẽ thức dậy luân phiên để canh giữ xác cô Dung, còn 2 cậu thì thức với tui kể từ bậy giờ cho tới lúc thầy về tới mới thôi.

Tôi với Tân Dân xin lãnh phần cùng thức với bà vú già để cho anh Phát cùng 3 bạn kia cùng lên một chiếc giường kê sát vách bên gian nhà ngoài nằm ngủ. Độ hơn nữa giờ sau đó, trong lúc 2 đứa tôi ngồi bên bà vú già hỏi chuyện nam tào bắc đẩu cho đỡ buồn ngủ và cũng khỏi bị quỷ ma ám ảnh trong tâm trí thơ ngây bị nhiều bi quan mặc cảm.

Một tràng tiếng chim ục ục từ trên ngọn cây bằng lăng trước cửa phát ra một chuỗi dài. Tiếp theo là tiếng chó tru ở đầu xóm thuộc về hướng khúc vắng cây đa sà làm cho xương sống tôi ớn lạnh, tôi ngồi sát lại gần bà vú hơn. Tân Dân cũng không kém sợ hãi nhưng hắn ta vốn có tính tự ái nên giả vờ làm như táo gan, đi tới đi lui trước cửa buồng nhà xác của cô Dung tỏ ra ta đây không hề biết sợ sệt là gì. Bổng từ trên mái ngói nhà ông đồ Khương ó tiếng khua động và tiếp theo đó một tiếng “meo” ngân dài lánh lót, rờn rợn giữa đêm. Mặt Tân Dân tái lại thấy rõ nhưng hắn vẫn chưa chịu tự thú cái tánh không mấy bạo gan của hắn trước mặt tôi. Hắn đang làm tàn, bách bộ giữa gian nhà. Khi chỉ còn ba bước nữa là tới ngang chỗ bộ ván có úp cái thúng để nhốt con mèo mun thì trong thúng bổng thoát ra tiếng “ngao” như để đáp lại tiếng ngao trên mái ngói vừa rồi. Trong lúc đó, con mèo mun bị nhốt trong thúng tung mạnh thân mình lên làm khúc củi tròn đang nằm trên thúng rơi xuống ván nghe cái rầm. Đồng thời, con mèo mun từ trong lồng thúng phóng vọt lên hất cái thúng lật ngửa rồi chị mèo băng mình lao vào bóng đêm mất dạng. Lúc này, Tân Dân cũng xuống tinh thần, hắn không còn làm bộ tỉnh được nữa. Hắn ba chân bốn cẳng nhảy phóng một cái từ chỗ hắn đang đứng vọt lại nơi bà vú và tôi đang ngồi rồi hắn xà vào ôm chầm lấy tôi mà khắp người rắn run lên như người đang làm cử rét. Thú thiệt, tôi cũng khiếp đảm thiếu điều muốn xón nước tiểu nhưng tự nhiên tôi cảm thấy lòng thích thú việc vừa khám phá ra được mãnh lực ái tình dù chỉ là thứ ái tình chó điếm mèo hoang của loài gia súc. Riêng bà vú già thì tỏ ra hoảng hốt. Bà bước ngay lại cửa buồng quàng xác cô Dung đứng nhìn vào trong một lúc rồi quay ra. Bà gặp tôi với Tân Dân đang bám sát bên bà không dám rời xa nửa bước. Bà nhìn chúng tôi, giọng cầu cứu:

– Hai cậu có cách nào bắt dùm con mèo mun ở nhà này để tui nhốt nó lại được không vậy ?

Tôi đáp lời bà vú ngay không cần đắn đo suy nghĩ:

– Trời ơi, cái thứ mèo cái rượng đực hễ nghe tiếng con đực kêu gọi là nó thoát ra đi theo tiếng gọi ái tình thì dù tía tôi có đi kiếm cũng hổng kiếm được nữa chứ đừng bảo là tụi tui.

Bà vú già nín lặng hồi lâu rồi nói:

– Bây giờ, tôi nhờ 2 cậu đi qua buồng của thầy kêu dùm cụ Tín giúp và cho cụ ấy hay là con mèo mun đã thoát đi rồi. Nhớ nói rõ là tôi đang canh chừng xác chết cô Dung, biểu cụ ấy thức dậy gấp một chút nghe.

Dù muốn dù không, tôi với Tân Dân cũng đành phải bặm môi, hai đứa câu tay nhau dẫn đi qua phía cửa buồng bên gian tả căn nhà. Định bụng, khi gọi cụ Tín thức dậy xong, chúng tôi sẽ trở qua bên kia giường đánh thức nhóm của Phát bốn người dậy luôn thể. Nhưng vừa lúc hai đứa tôi bước chân vào buồng của ông đồ Khương nơi cụ Tín đang nằm ngủ thì một cơn gió trốt từ ngoài trời đêm bổng xoáy mạnh vào chiếc bàn đặt giữa nhà. Thoạt đầu, bộ ly tách và bộ đồ trà của ông Khương bị trốt xoáy tung rơi xuống sàn gạch đỗ vỡ nghe xoang xoảng. Tiếp theo liền ngay phút sau đó, một chiếc đèn măng sông bị gió trốt thổi tắt phụt. Bóng đen bao trùm khắp gian nhà.

Tôi và Tân Dân đứng bên giường nằm của cụ Tín, hai đứa ôm lấy nhau để trấn áp cõi lòng bên cơn khiếp hãi, không còn nghĩ tới việc gọi cụ Tín dậy nữa. Còn phần cụ Tín, mặc dù cảnh biến động xảy đền cho căn nhà vì cơn gió trốt, thế mà cụ vẫn ngủ say như chết thì quả thật là ngoài sự tưởng tượng của tôi. Sau vài phút tắt đèn thì bóng tối cũng loãng phần nào, không còn dày đặc nữa. Tôi với Tân Dân đứng nhìn sang hướng cửa buồng đối diện thấy bà vú vẫn đang đứng nần nà tại đó. Chúng tôi định tốc mùng lên gọi cụ Tín thức dậy thì bổng:

– Á á á……a….a….ặc …ặc…

Chúng tôi nghe tiếng bà vú rú lên khủng khiếp, giọng bà thất thanh, rồi nhỏ dần, sau cùng chỉ còn nghe giọng bà ú ớ, im bặt. Tôi nhìn sang chỗ bà vú đứng, một cảng tượng hải hùng đang diễn ra trước mắt tôi: cô Dung, vâng, chính cô Dung, con gái ông thầy đồ Phan Vĩnh Khương, đang dùng hai bàn tay của nàng siếc chặt lấy cổ của bà vú mãi cho đến lúc bà ngã lăn ra nằm im trước cửa buồng nàng mới bỏ đi. Một tràn cười the thé man rợ đầy khoái trá phát ra từ phía cô Dung. Nàng từ từ tới chỗ anh Phát và ba người bạn học của chúng tôi đang nằm ngủ. Linh tính cho biết chuyện bất thường sắp xảy đến, tôi đưa một ngón tay lên miệng ra hiệu cho Tân Dân đừng lên tiếng rồi nhẹ gót bước lại phía cửa buồng, khẻ khép lại cánh cửa thật nhẹ nhàng êm ái và đứng bên trong nhìn qua khe cửa theo dõi tình hình diễn tiến bên ngoài. Lòng tôi thầm nghĩ:

– Cô Dung sống lại ư ? Nếu cơ Dung sống lại thì tại sao cô Dung siết cổ bà vú làm gì? Hay là có con quỷ nào đó đi ngang qua đây muốn nhập vào xác cô Dung nên con quỷ đó hóa ra trận gió trốt làm tắt đèn rồi nhập vào xác chết ? Hoặc là con mèo mun sau khi thoát ra khỏi cái thúng đi tìm con mèo đực bạn tình của nó mà không gặp, nó quay về nhà lẻn vô buồng rồi nhảy vào nhà xác, nhảy ngang qua thi hài của cô Dung, xác cô Dung đã bị quỷ nhập tràng, theo như lời anh Phát kể cho chúng tôi nghe lúc đầu chăng ?

Trong đầu óc tôi cùng một lúc hiện ra nhiều câu hỏi liên tiếp không lời giải mà đôi mắt tôi không buông rời một hành động nào của cô Dung. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy cô Dung tự nhiên leo lên giường anh Phát, đưa tay ra ôm ghì lấy Phát vào lòng cô. Anh Phát vẫn nằm im để cho cô Dung tự ý làm gì thì làm. Anh ta không có một cử chỉ nào gọi là phản ứng hoặc biểu lộ sự đồng tình. Mới lúc đầu, tôi tưởng là Phát và Dung từ lâu từng lén yêu nhau. Bây giờ sau khi chết vừa được sống lại, cô Dung đi tìm anh Phát để báo tin mình hồi sinh rồi cùng nhau tâm sự. Nhưng khi nhớ lại tiếng rú kinh hãi của bà vú lúc nãy và chính bà vú vẫn nằm im như người đã chết tại trước cửa buồng kia, tôi biết chắc hiện thân của cô Dung không phải là cô Phan Thị Dung, ái nữ ông thầy đồ, mà chính là quỷ nhập tràng thật sự.

Hết nằm với anh Phát, cô Dung lại đổi sang người bạn kế bên anh Phát, rồi cứ như vậy nàng thay chỗ hết người này tới người khác. Khi đến phiên người bạn học cuối cùng của chúng tôi, cô Dung rời giường bước về phía cửa buồng mà tôi và Tân Dân đang khép hờ cánh cửa và ẩn mặt trong đó. Tôi run bật lên, đóng kín cánh cửa lại và cài then rồi cùng Tân Dân đứng ghé mắt vào kẻ hở của ván cửa mà ngó ra theo dõi. Trước mắt tôi rõ ràng là cô Phan Thị Dung, ái nữ của ông thầy đồ. Cô Dung đi đến bên ngoài cánh cửa buồng của chúng tôi rồi đưa tay ra đẩy cánh cửa nhưng vì tôi đã gài then nên cô Dung không xô được cửa. Tức giận, cô Dung đưa cả hai tay lên đầu, bấu chặt 10 ngón tay vào tóc rồi vung mạnh tay ra để tóc của cô xỏa kín cả mặt mày. Rồi liền sau đó, cô Dung rẽ 2 mạn tóc xỏa phía trước mặt ra hai bên mép tai, áp mặt cô vào ván cửa, ngót kẻ hở và ngó vô buồng. Tôi chỉ kịp rú lên một tiếng hải hùng rồi ngã lăn ra bất tỉnh.

Không hiểu tôi mê thiếp đến bao lâu, mãi đến lúc tôi tỉnh dậy mở bừng mắt ra nhìn quanh mới hay rằng tôi đang nằm dưới một chiếc xuồng do hai người bơi và Tân Dân đang ngồi bên săn sóc. Thấy tôi đã hồi tỉnh, Tân Dân vui mừng và bảo:

– Mình sắp về tới nhà mình ở Bình Thành rồi. Trời ơi, anh mê sảng cả hơn 3 tiếng đồng hồ làm tui lo sợ quá.

Tôi ngồi dậy hỏi Tân Dân:

– Sao mình về nhà được vậy ? Còn mọi việc xảy ra hồi khuya ra làm sao ?

– Thì ngay lúc anh rú lên ngã ra nằm mê thiếp, tôi biết có việc chẳng lành nên tôi tốc mùng đánh thức cụ Tín dậy. Tôi nói một đàng, cụ Tín trả lời một ngã khiến cho cậu chuyện hãi hùng của tôi hóa ra ăn tréc hết. Lúc bấy giờ tôi mới biết là cụ Tín bị lãng tai hạng nặng. Do đó, cụ đã ngủ như chết trong bên ngoài xảy ra biết bao nhiêu là biến động. Anh biết hôn, tui phải kéo lôi cụ Tín rời khỏi giường nằm và ra dấu, đồng thời dẫn cụ tới chỗ kẽ hở ván cửa ngó ra nhưng cụ Tín nào có trông thấy được gì đâu, đôi mắt cụ đã lòa theo tuổi thọ ngoài 70 rồi. Chỉ có tôi, tôi đã thấy hình dáng một con quỷ cái mặt xanh nanh trắng, tóc xỏa phủ lưng đang vỗ tay vào cánh cửa buồng. Tôi mất cả hồn vía, ôm ngang eo ếch cụ Tín mà run lên như thằn lằn đứt đuôi. Độ 3 phút sau, tôi chợt nghe một tiếng súng nổ bên ngoài, rồi đèn đóm sáng trở lại. Đó là lúc thầy của tụi mình đi rước ngài Chánh Lục Bộ và có cả Hương Quản tháp tùng. Mấy ổng nhận biết là xác cô Dung đã bị quỷ nhập tràng rồi nên ông Hương Quản buộc lòng phải nổ súng.

-Ủa, vậy con quỷ cái đó có bị trúng đạn hôn ?

– Không.

– Thì ra là Hương Quản bắn chỉ thiên dọa nó thôi hả ?

– Chỉ thiên cái con khỉ mốc, ông Hương Quản bắn thiệt chứ bộ, nhưng bị ổng run quá, ổng sợ nên ổng bắn trật.

– Ủa, vậy sao, rồi kết cuộc ra làm sao ?

– Thì tuy là bắn trật nhưng mà sau tiếng súng nổ đó, xác cô Dung ngã ra nằm sống sượt trước cửa buồng luôn, còn con quỷ đó thì biến mất tiêu. Rồi tui mới đem cái chuyện anh bị ngất xỉu thuật lại cho thầy nghe. Thầy mới biểu 2 người bơi xuồng chở đưa anh dìa, dọc đường thì anh tỉnh lại, may quá !

Kể từ đó cho đến bây giờ, tôi không một lần đặt chân tới xã Tân Bình. Tuy nhiên, những câu chuyện xảy ra về con quỷ cái ở khúc vắng cây đa sà thỉnh thoảng vẫn được nghe người địa phương nhắc lại.

Lâm Thế Nhân (Trích trong “ Chuyện tích đồng quê”) .

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngọc Hoàng Thượng đế

Chuyện đạo

Dịch nghĩa bài vị Thần tài